Đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông trong kỷ nguyên số


Báo chí – Truyền thông là lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của sự phát triển công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ trong kỷ nguyên số mang đến nhiều thời cơ, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho người làm báo, và cả những cơ sở đào tạo báo chí.

Những thách thức về dạy và học báo chí

Cách mạng công nghệ số làm thay đổi quá trình tiếp nhận thông tin của công chúng. Những thay đổi trong cách đọc báo, nghe đài của công chúng hiện đại, buộc những hoạt động báo chí và đào tạo báo chí phải có những thay đổi sâu rộng. Sự thay đổi trong phương thức tiếp cận thông tin của công chúng đòi hòi người làm báo cần được trang bị nhiều kỹ năng, nghiệp vụ hơn. Hiện nay công nghệ hoàn toàn có thể hỗ trợ nhà báo từ khâu thu thập thông tin, phân tích dữ liệu cho đến sản xuất nội dung và phân phối nội dung trên đa nền tảng.

Trước yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông đang đối mặt với nhiều thách thức và cần đổi mới để phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên số. Nhân lực trong lĩnh vực này không chỉ yêu cầu cần năng lực chuyên môn cao mà còn phải đáp ứng tốt các yêu cầu về sử dụng kỹ thuật-công nghệ hiện đại.

Là một trong những đơn vị đào tạo báo chí uy tín của khu vực miền núi Phía Bắc, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã không ngừng đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo có tích hợp, bổ sung nhiều học phần nhằm đảm bảo sinh viên ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng “đa phương tiện” để thích ứng với thực tiễn sôi động của thị trường báo chí trong kỷ nguyên số. 

Người dạy và học báo chí-truyền thông phải chuyển mình

Để đáp ứng được yêu cầu mới của xã hội, đòi hỏi cơ sở đào tạo báo chí phải tự đổi mới, nắm bắt công nghệ số dựa trên nền tảng kiến thức chuyên sâu, để trang bị cho người phải trang bị nhiều kỹ năng mới. Thực tiễn cho thấy việc sản xuất nội dung báo chí truyền thông thời đại công nghệ số cần nhiều sự hỗ trợ của các yếu tố kỹ thuật- công nghệ. Ý thức được điều này, trường Đại học Khoa học không ngừng trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đầu tư và xây dựng Phòng Nghiệp vụ Báo chí gồm: trường quay, phòng thu âm hiện đại, hệ thống máy tính chất lượng cao với cấu hình linh kiện phù hợp đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, thiết kế đồ họa, dựng phim,…

Chương trình  đào tạo báo chí tại cơ sở đào tạo được cập nhật, bổ sung những môn học gắn liền với các xu hướng báo chí mới như: báo chí dữ liệu, truyền thông hội tụ và truyền thông đa phương tiện, truyền thông xã hội và mạng xã hội, báo chí trên di động, thiết kế đồ họa… Các lớp học kỹ năng rèn nghề đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật và công nghệ được tổ chức thường xuyên để người học có thể làm chủ công nghệ, kiểm soát các ứng dụng công nghệ như: loT, Big data, AI, e-magazine…trong sản xuất sản phẩm báo chí.  

PGS.TS. Trịnh Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học- Đại học Thái Nguyên cho biết để đảm bảo cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao cho lĩnh vực báo chí truyền thông, trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi từ các cơ quan và chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, Trường Đại học Khoa học đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển hệ sinh thái đào tạo, ngoài việc tăng cường trang thiết bị cho các phòng nghiệp vụ báo chí tại Trường, Nhà trường chú trọng hình thành một hệ thống các địa chỉ đỏ gồm các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, công ty truyền thông… liên kết với Nhà trường để sinh viên đến học tập, rèn luyện.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Trường Đại học Khoa học cũng chú trong bồi dưỡng về nhận thức cho sinh viên để phòng tránh hạn chế các mặt trái của xã hội thông tin hiện đại. Sinh viên cần nhận thức đúng về các vấn đề bản quyền thông tin, vấn đề kiểm duyệt độ tin cậy của các nguồn tin trên mạng, đảm bảo tính trung thực, chính xác của thông tin, vấn đề đạo đức và an ninh mạng... Từ đó, người học báo sẽ nhận thức nghiêm túc về vai trò xã hội, trách nhiệm với công chúng, phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp song song với việc nâng cao năng lực chuyên môn. 

Bên cạnh đó, Nhà trường cũng kết nối chặt chẽ với Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, Học viện Báo chí Tuyên truyền; Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội,… để chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy báo chí. Sự kết nối này nâng cao hoạt động đào tạo báo chí – truyền thông thời kì công nghệ số tạo tiền đề cho sự phát triển nền báo chí chuyên nghiệp ở hiện nay.

Mở ra những cơ hội mới

Nghị quyết 29 của Đảng đã nêu rõ chuyển tư duy giáo dục từ số lượng sang chất lượng, xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, học tập suốt đời, xóa bỏ mọi rào cản để người Việt Nam tiếp cận giáo dục. Theo đó, học tập dựa trên thực hành được chấp nhận rộng rãi như một khía cạnh quan trọng của việc giáo dục và đào tạo các nhà báo tương lai.

TS. Phạm Chiến Thắng – Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên khẳng định: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho những người làm báo, đặc biệt là các bạn sinh viên học chuyên ngành báo chí - truyền thông. Để đào tạo được những nguồn nhân lực chất lượng cao, thích ứng với sự thay đổi của công tác báo chí - truyền thông trong giai đoạn hiện nay, các cơ sở đào tạo cần đổi mới phương pháp đào tạo, tập trung vào những yếu tố cốt lõi của lĩnh vực kỹ thuật số trong kỷ nguyên 4.0 là: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác báo chí, tận dụng tối đa nguồn tin từ Internet và Big Data. Bên cạnh đó, tư duy sáng tạo, kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật số hiện đại là hai yếu tố then chốt để người làm báo hiện nay cần phải có. Xác định được những mục tiêu này, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học đã thực hiện những sự thay đổi tích cực trong những năm gần đây cả về chương trình đào tạo và nội dung thực hành để các bạn sinh viên có thể nhanh chóng bắt kịp xu hướng báo chí hiện nay.”

Giữa môi trường truyền thông hiện đại, phóng viên gặp không ít thách thức trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghê, tự làm mới những sản phẩm báo chí của mình. Sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi mô hình việc làm và là thách thức cho hoạt động báo chí. Trong giai đoạn ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, quá trình đào tạo nhân lực báo chí thời kỳ chuyển đổi số có sự thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên thách thức và khó khăn ấy đã mở ra nhiều cơ hội, dạy học và thực hành trực tuyến đã mở ra nhiều kỹ năng mới, mang lại sự linh hoạt cho cả người dạy và người học./.

Đinh Trang – Vi Phương (Khoa Báo chí-Truyền thông)


Bài viết khác