Cảm thức cô đơn trong LỬA THIÊNG của Huy Cận


            CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG LỬA THIÊNG CỦA HUY CẬN

                                             PGS.TS. Cao Thị Hồng (Khoa Báo chí - Truyền thông & Văn học - Trường ĐH KHoa học)

1. Không phải ngẫu nhiên, khi luận bàn về Lửa thiêng (1940) của Huy Cận, Sông Thai đã khẳng định: “Thế giới Lửa thiêng là thế giới của những con người lẻ loi ở một thời đại mà trật tự phong kiến thực dân tràn đầy bất công thối nát và sự phản bội được thay thế cho những tấm lòng đôn hậu, vị tha, son sắt. Tiếng thơ trong Lửa thiêng là những lời mời mọc khẩn khoản yêu thương hình thành bởi những nồng nàn ấm diệu. Phải trải qua nhiều xót xa cay đắng của hàng triệu con người nô lệ, phải có hàng chục năm chứng kiến và thể nghiệm sự đổi thay phũ phàng của nhân tình thế thái mới sáng tạo ra được một thế giới sầu muộn như thế.”1. Còn Hoài Thanh – Hoài Chân lại cho rằng: “Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc. Ai có ngờ những bước chân đã tan trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích hẳn không bao giờ tan được” 2. Sự phát hiện tinh tế của các nhà phê bình đã góp phần xác quyết, tôn vinh những giá trị nhân bản trong thơ Huy Cận, một trong những gương mặt tiêu biểu đầy tài năng của phong trào Thơ mới. Sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhiều biến động, cũ mới giao thời, trắng đen lẫn lộn, nhiều giá trị bị đánh tráo, thân phận con người bị coi rẻ như bèo bọt, nổi trôi… xuất phát từ những niềm đau nhức nhối tâm can, chàng Huy Cận khi đó “đang ở giữa độ măng trẻ của đời người” (Xuân Diệu) đã phát tiết tinh hoa trong Lửa thiêng với những dòng thơ như những giọt buồn khôn dứt. Chỉ từ những điều bình thường, giản dị, người thi sĩ tài hoa đem “đúc” thành “châu ngọc” để chia sẻ cùng nhân thế, âu đó cũng là một hệ giá trị văn hóa mà Huy Cận dâng tặng cuộc đời.

Trước nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu phê bình (Hà Như Chi, Uyên Thao, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Tấn Long, Sông Thai, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp…), luận bàn về “khối sầu thiên cổ” trong thơ Huy Cận nhưng quả thật “khối sầu” đó, trải qua thời gian, cho dù được nhìn từ góc nào vẫn tỏa ánh sáng thâm u, huyền diệu bí ẩn, như chính tác giả viết: một chiếc linh hồn nhỏ/ mang mang thiên cổ sầu (Ê chề). Đọc Lửa thiêng của Huy Cận, chúng ta có thể cảm nhận rõ trong thơ Huy Cận song song nỗi “buồn điệp điệp” bao giờ cũng là sự khắc khoải về nỗi cô đơn ám ảnh tâm cảm thi nhân. Đã có nhiều luận giải về nỗi buồn - một phương diện thẩm mỹ mang giá trị như là một biểu hiện niềm đau thân phận của kiếp lưu đày, nhưng cảm thức cô đơn trong thơ Huy Cận vẫn là một vấn đề còn nhiều bỏ ngỏ. Chúng tôi cho rằng cô đơn có thể coi như một yếu tính, một phương diện thẩm mỹ không thể không nói đến, nó góp phần không nhỏ làm nên sự độc đáo, hấp dẫn trong nhiều áng thơ còn lại với thời gian trong Lửa thiêng của Huy Cận. Tìm hiểu Cảm thức cô đơn trong Lửa thiêng của Huy Cận có thể nhận diện chiều sâu trong tư duy nghệ thuật của một trong những gương mặt tiêu biểu của cuộc cách mạng thơ trong quá trình hiện đại hóa thơ ca dân tộc, đó là phong trào Thơ mới.   

2.Cô đơn hay sự cô đơn (Loneliness) là một trạng thái cảm xúc phức tạp của con người nhằm đáp ứng lại với sự cách ly của bản thân với xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo âu, suy tư, trăn trở… về sự trống vắng của con người bởi sự thiếu hụt tình cảm, không cảm nhận được sự kết nối cảm xúc giữa con người với con người và vạn vật của thế giới. Sự cô đơn có thể cảm nhận ngay cả khi con người được bao quanh bởi nhiều người, nhiều lúc sống giữa “đám đông” mà lòng vẫn tràn đầy cảm giác cô đơn, thậm chí con người cô đơn ngay chính ngôi nhà của mình. Các nhà hiện sinh chủ nghĩa quan niệm cô đơn là yếu tính của bản thể. Cô đơn mang tính phổ quát và tồn tại trong xã hội loài người như một phẩm tính người. Vì thế cô đơn luôn hiện hữu ở mọi thời đại, mọi dân tộc, và in dấu rõ nét trong nhiều tác phẩm văn chương đông tây kim cổ của nhân loại là một điều tất yếu …

Đọc  Lửa thiêng của Huy Cận, cảm thức cô đơn như một mạch ngầm xuyên suốt hồn thơ, với nhiều cung bậc, thanh âm, hoặc sâu đậm, hoặc mờ nhòe, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thể hiện trong hầu hết các bài thơ: Bi ca, Bình yên, Buồn đêm mưa, Cầu khẩn, Cách xa, Chết, Chiều xưa,Chiều xuân, Dấu chân bên đường, Đẹp xưa, Đi giữa đường thơm,Điệu buồn,Giấc ngủ chiều, Hồn xa, Hồn xuân, Khung tình, Lời dịu, Mai sau, Mưa, Quanh quẩn, Thu, Thu rừng, Tiễn đưa, Tình mất, Tình tự, Trò chuyện, Trông lên, Xuân, Xuân ý,  Ê chề, Họa điệu, Tràng giang, Thuyền đi, Thu rừng, Nhạc sầu, Ngậm ngùi, Vạn lý tình … Cô đơn bao phủ không gian, thời gian, cô đơn hiện hữu trên từng lá cây, ngọn cỏ, cánh bèo, đám mây, dòng sông, con thuyền, cơn mưa, làn gió, cánh chim trời… Căn nguyên nào khiến cô đơn trở thành âm hưởng chủ đạo chi phối ý thức kiến tạo thi giới nghệ thuật của Lửa thiêng? Nữ văn sĩ Marguerite Duras có lý khi cho rằng “cô đơn như là hư không, cả một rỗng tuếch mênh mông, cần phải lấp đầy”, và từ ý kiến này có thể thấy cô đơn phủ đầy thi giới của Huy Cận bởi trong cảm nhận của ông mọi cái thuộc thế giới hiện hữu từng giây phút quanh ông đều lạnh lùng, xa lạ,ngoài tầm kiềm soát của con người, bức tường thành phi lý lúc vô hình, lúc hữu hình bủa vây, ngăn cách tứ phía, cuộc sống của con người chỉ là một sự tồn tại vô nghĩa. Khoảng hư không rỗng tuếch bao la tưởng đến vô cùng trong tâm hồn thi nhân chỉ còn có thể được lấp đầy bằng thi ca. Và cô đơn như một phương cách để thi nhân có thể gặp gỡ và lắng nghe tiếng Con Người luôn hiện diện trong cõi sâu thẳm của tâm linh cô đơn để tìm về hoà hợp trong mối giây tương quan và liên đới với nhân loại, và rộng hơn, cao hơn cô đơn để nối sợi dây giao cảm cùng vũ trụ vô biên, vĩnh hằng, tìm về miền thanh tịnh. Dùng cô đơn để vượt thoát cô đơn, để được sống là chính mình - “Tôi tồn tại” chỉ thực sự có ý nghĩa khi cái tôi này tự tách ra khỏi tồn tại; Và đây là căn nguyên sâu xa nhất để có thể luận giải vì sao cô đơn lại trở thành âm hưởng chính trong Lửa thiêng của Huy Cận. Từ trạng thái cô đơn tỏa ra “buồn điệp điệp”, “sầu muôn ngả”…cô đơn như nguồn cội của mọi nỗi sầu, buồn – đó là tiếng thở dài mang âm hưởng của thời đại, “là một phản ứng thời đại”3.

Trong tiểu thuyết “Bức tường”, Jean Paul Sartre đã mô tả một cách tài tình sự cô đơn không đối thoại được với nhau giữa người với người. Ông đã để nhân vật Pierre chia sẻ những lời tâm sự đầy cay đắng: “Có một bức tường ngăn cách giữa chúng tôi, tôi nhìn thấy và nói chuyện hằng ngày với cô, nhưng xem ra cô đang sống bên kia bức tường”4. Trong đời sống, con người thường rơi vào trạng thái khổ tâm nhất, khi cảm nhận nỗi lẻ loi, đơn chiếc, không thể có một sợi dây kết nối yêu thương cùng người có thể sẻ chia buồn vui cay đắng cùng mình. Huy Cận thấu hiểu điều đó và thi nhân cũng cảm nhận rất rõ, trong cõi nhân gian đi tìm người tri âm, tri kỷ để gắn kết thật khó lắm thay! Tri nhận ra khoảng cách xa vời, lạnh lùng giữa con người với con người trong cuộc sống nơi trần thế đã khiến cảm thức cô đơn trong Lửa thiêng của Huy Cận thấm đẫm màu bi thương.

Không ít lần trong Lửa thiêng chúng ta gặp Huy Cận thảng thốt, xót xa tiếc nuối trước những cuộc chia lìa, giã biệt:  Tới ngã ba sông, nước bốn bề/ Nửa chiều gà lạ gáy bên đê/ Làng xa lặng lẽ sau tre trúc/ Bến cũ thuyền em sắp ghé về (Em về nhà); Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung/ Có ai đàn lẻ để tơ chùng/ Có ai tiễn biệt nơi xa ấy/ Xui bước chân đây cũng ngại ngùng...(Nhớ hờ). Thôi đã tan rồi vạn gót hương/ Của người đẹp tới tự trăm phương/ Tan rồi những bước không hò hẹn/ Đã bước trùng nhau một ngả đường (Dấu chân trên đường). Vì ta đợi cho nên người chẳng đến/ Người xa ta, xa từ thuở sơ sinh (…) Nhưng chân đẹp vội rẽ đường trăm lối / Gió bay qua thôi đưa tiếng cười chào / Rồi một bữa đứng chờ người chẳng tới (Bi ca).  Hoài Thanh từng xác quyết: “cái buồn của Lửa thiêng là cái buồn tỏa ra từ đáy hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh”5. Quả đúng là vậy, cảm thức cô đơn dường như xuất phát từ những ám ảnh thuở “sơ sinh”, của ký ức, cô đơn tụ hợp, kết đọng trong tiềm thức thi nhân, cô đơn đúc thành “sợi sợi buồn” sâu lắng, da diết, thao thiết chảy trong giọng điệu thơ Huy Cận. Dẫu đương thời khi viết những câu thơ trong Lửa thiêng thi nhân mới chỉ đang ở độ tuổi đôi mươi, nhưng với trái tim dạt dào cảm xúc và tâm hồn nhạy bén, ngần đó cũng đủ nghiệm sinh để thấu hiểu cô đơn là mong muốn cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà “chờ mãi” chẳng có ai cho, cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ đợi chẳng bao giờ đến, cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt, không phải cách biệt của không gian mà là cách biệt của cõi lòng…

Thơ Huy Cận hay nhắc đến  hồn đơn chiếc, lòng quạnh hiu, hồn góa bụa… trong thức nhận của tác giả, cõi dương gian dường như chỉ có ly tán, chia xa, ít có sum vầy: Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển/ Suốt một đời như núi đứng riêng tây (Mai sau). Chính vì vậy, Huy Cận  luôn mở rộng lòng mình để “lắng nghe mình sống, để ghi lấy cái nhịp nhàng , lặng lẽ của thế giới bên trong”6. Có lẽ đó là cách “nổi dậy” duy nhất để có thể chống lại sự đông cứng nơi tâm hồn khi con người không cảm thấy mình đang ở trong chính ngôi nhà của mình, hoặc tâm hồn đang rời bỏ bản thân, khiến con người đang dần mất ý niệm về cuộc sống của chính mình: Đêm mưa làm nhớ không gian/lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…/Tai nương nước giọt mái nhà/ nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”(Buồn đêm mưa). Trong cô đơn, cảm xúc của Huy Cận thật tinh tế, thi nhân nhận thấy sâu thẳm trong lòng đang “run” lên bởi “nỗi hàn bao la” dâng trong lòng, cái lạnh giá của ngoại cảnh đã đánh thức, cộng hưởng cùng cái lạnh vốn thấm sâu nơi vô thức khiến lòng người càng thêm khắc khoải trong một đêm mưa: Nghe đi rời rạc trong hồn/ Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi... /Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi.../Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ... /Tương tư hướng lạc phương mờ.../Trở nghiêng gối nặng hững hờ nằm nghe /Gió về, lòng rộng không che/ Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...(Buồn đêm mưa). Con người không chỉ cô đơn trong không gian mà còn cô đơn trong thời gian. Đếm mưa rơi như đếm từng giọt thời gian đang rơi rơi hòa tan vào mênh mang vũ trụ… một mình trong cái khoảnh khắc hiện tại, xa cách quá khứ, đối diện với tương lai bấp bênh, mờ mịt, con người không chỉ xa lạ, “lạc hướng phương mờ” với môi trường sống của mình mà còn xa lạ với chính mình, xa lạ với quá khứ và của tương lai của mình. Tìm kiếm đâu hơi ấm, cái nhìn và lời nói ân tình của tha nhân? Khi xung quanh nhiều lúc sự bất công, thói đời phản bội, đen bạc, lòng người lạnh lùng, vô cảm như xé nát trái tim ta, khiến ta khi đối diện với tha nhân chỉ cảm thấy mình bị vây hãm và tổn thương sâu sắc? Đó là nỗi cô đơn kinh hoàng bởi sự vô tâm và lòng dạ hiểm ác của con người gây ra đối với con người…

Cái tôi trữ tình bất an trong từng giây phút hiện hữu, có lúc cuống quýt “chạy trốn” nhưng càng chạy trốn càng lâm vào bi kịch của trạng thái cô đơn:  Trốn tránh bơ vơ chạy ngủ lang,Hồn ơi! Có nhớ giấc trần gian/ Nệm là hơi thở, da: chăn ấm/ Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn ?(Ngủ chung) ; Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế! Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường; Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương, Sương hay chính bụi phai tàn lả tả?(Nhạc sầu);  Tai dưới đất để nghe chừng tiếng sóng/ Ở trên đời, đầu ấy ngửng lên cao/ Sẽ nằm im! Ôi đau đớn chừng nào/ Thân bay nhảy giam trong mồ nhỏ tí (Chết). Khi chỉ còn cách “xương cọ vào xương bớt nỗi hàn” và nghĩ về cái “chết, mồ côi, bụi phai tàn…” là khi con người đã sống tận cùng của cảm giác cô đơn. Một hồn đau, một đời lạnh khiến con người vốn dĩ đã cô đơn lại càng trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Chiều sâu cảm xúc cho thấy tầm vóc, nội lực của nhà thơ, vì thế là người hiểu Huy Cận hơn ai hết, khi viết tựa cho Lửa thiêng,  Xuân Diệu đã có phát hiện khá tinh tế: “Huy Cận nói hộ cho ta đó, những giọt nước mắt thường đến quanh mi rồi ngừng. Huy Cận vì đã vì ta mà rơi xuống má; cái linh hồn ấy bơ vơ không kể hết, kiếp người lang thang, đất trời trôi nổi, lạnh lắm nhân gian ơi!” 7. Nhận xét của Xuân Diệu cho thấy, nỗi cô đơn thân phận được cảm nhận từ tâm linh sâu thẳm đã đem đến cho thơ Huy Cận chất lượng thẩm mỹ mà không phải người làm thơ nào cũng dễ dàng có được – giọt nước mắt tràn mi “rơi xuống má”để rồi chảy dài mãi của thi nhân chính là giọt nước mắt “thanh lọc” tâm hồn, giọt nước mắt của niềm đau vượt qua sự than vãn, bi lụy yếu đuối của cá nhân để vươn đến nỗi đau cho muôn kiếp người trong cõi nhân sinh. Cảm thức cô đơn bởi sự xa cách, lạnh lùng giữa con người với con người giữa cõi trần ai được đẩy đến độ cao trào nhất, nó ám ảnh như lời nhắc nhở bạn đọc qua nhiều thế hệ, ở mọi thời đại, ý thức sâu sắc hơn về thân phận hẩm hiu, mong manh của kiếp người trên “cõi tạm”. Để từ nỗi âu lo này mỗi người hãy sống có một trái tim biết cảm thương, một tấm lòng biết trắc ẩn, một tâm hồn biết mở rộng và dám ra vượt khỏi “khung tình” ích kỷ của mình để gặp gỡ, chia sẻ, trao tặng những gì mình có thể, để đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau trong cuộc đời. Thông điệp vang lên đằng sau câu chữ của Lửa thiêng đã thắp lên ngọn lửa thiêng trong tâm hồn người đọc, từ đó gợi suy nghĩ về việc giữ gìn phẩm tính Người trong mỗi chúng ta, nhất là trong thời đại mà sự phát triển của kỹ thuật số chi phối đến từng hoạt động, bao phủ khắp không gian trú ngụ của con người.

Bên cạnh cảm thức cô đơn bởi sự thiếu vắng hơi ấm của con người, quả đúng như Nguyễn Tấn Long từng chia sẻ cùng tác giả Lửa thiêng: “Bầu trời của vũ trụ là trời thơ của Huy Cận, nhưng cũng nhân cái bao la mịt mù của không gian mịt mù mà Huy Cận cảm buồn cái bé nhỏ của mình, một sinh vật biểu hiện cho bơ vơ, lạnh lẽo cô đơn, trống trải, sầu đau trong kiếp nhân sinh”8. Giữa mênh mang bao la vũ trụ, đối với Huy Cận con người và vạn vật sinh linh chỉ là một hạt bụi nhỏ nhoi. Thiên nhiên, vũ trụ càng bao la, con người càng trở nên bé nhỏ, mong manh - đó là căn nguyên khiến thơ Huy Cận mang nặng nỗi cô đơn, niềm âu lo chỉ có thể diễn tả được bằng độ sâu của Trời và chiều rộng của Đất; Cô đơn của Huy Cận trong Lửa thiêng còn là cô đơn của nghìn năm xưa vọng lại - đó là nỗi cô đơn của “linh hồn nhỏ”, đối diện cùng vũ trụ của hồn xa, hồn xưa…Song, để chống lại định mệnh, chống lại một thế giới mà con người đang bị nhấn chìm vào sự lãng quên bởi thời gian và không gian vô định, Huy Cận dám chấp nhận độc hành, dấn thân Đi hết thời gian không nhớ thương (Hồn xa) để đối diện cùng cỏ cây, mây, trời, sông, nước… Có thể bắt gặp trong thơ Huy Cận nhiều câu thơ mà nỗi cô đơn như thấm sâu, lan tỏa trong từng chuyển động hỗn loạn của thiên nhiên, vũ trụ: Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu(…) Bèo dạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mang không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng… (Tràng giang); Tôi luồn tay nhỏ hứng không gian/ Với gió xa xôi lạnh lẽo ngàn (Mưa);  Lâng lâng chiều nhẹ ghé muôn tai/ Trong bóng chiều như mờ tiếng ai/ Thổi lạc hương rừng cơn gió đến/ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài… (Nhớ hờ) Tương tư đôi chốn tình ngàn dặm/ Vạn lý sầu lên núi tiếp mây (Vạn lý tình);  Trăng lên trong lúc đang chiều/ Gió về trong lúc ngọn triều mới lên/ Thuyền đi, sông nước ưu phiền/ Buồm treo ráng đỏ rong miền viễn khơi/ Canh khuya tạnh vắng bên cồn,Trăng phơi đầu bãi, nước dồn mênh mang (Thuyền đi).

Có lẽ cũng là bởi thi nhân thức nhận rõ một quy luật bất khả kháng: con người đã sinh ra trên đời là phải “họa điệu” cùng cô đơn. Cô đơn ám ảnh, thao thức khôn nguôi, trở đi trở lại, cô đơn chi phối toàn bộ cái nhìn của tác giả trong quá trình kiến tạo thi giới. Những bài thơ như Họa điệu, Tràng giang, Thuyền đi, Thu rừng, Nhạc sầu, Ngậm ngùi, Vạn lý tình Chiều xưa,Chiều xuân, Dấu chân bên đường, Đẹp xưa, Đi giữa đường thơm, Điệu buồn,Giấc ngủ chiều, Hồn xa, Hồn xuân…ít nhiều đều cho thấy trong ý thức nghệ thuật của mình Huy Cận luôn coi cô đơn như một phương tiện đắc dụng nhất để bộc bạch nỗi niềm của thi nhân về cõi nhân sinh với bao thân phận con người nhỏ bé, nổi chìm theo dòng chảy thời gian vô thủy vô chung cùng bao biến thiên dâu bể của cuộc đời… 

Các nhà hiện sinh đã khẳng định cô đơn là một yếu tính của thân phận con người. Nếu chối bỏ, không thừa nhận sự cô đơn chính là đã vô tình tước bỏ những phẩm tính Người trong mỗi Con Người. Cô đơn như người bạn đồng hành mang đến một sức mạnh nội tâm để thanh luyện tâm tình, hướng tới sự thông giao mầu nhiệm với thế giới xung quanh. Do đó, thực chất của cô đơn là tập trung năng lực để sáng tạo, cô đơn được coi như một giá trị tinh thần. Những giây phút tĩnh lặng như một điều kiện để an dưỡng tinh thần; để định tâm và tu tập; để khám phá bản thân sâu rộng hơn qua những gì mình đã, đang sống và cảm nhận. Chiêm nghiệm thơ Huy Cận chúng ta thấy cảm thức cô đơn không nằm ngoài những giá trị nhân văn trên. Huy Cận đã không trốn chạy cô đơn, ông đã từng tự bạch: Chàng yêu lắm nên bị người hắt hủi/ Chàng yêu lâu nên thiên hạ lìa xa/ Chàng tự tình bằng những khúc bi ca/ Chàng tâm sự với buổi chiều quạnh quẽ (…) Hồn đơn chiếc như đảo rời dặm biển/ Suối một đời như núi đứng riêng tây/ Lòng chàng xưa chốn nọ với nơi này/ Đây hay đó chỉ dựng chòi cô độc (Mai sau). Cô đơn được thi nhân được xem như một sức mạnh để chống lại định mệnh, cô đơn vượt lên trên bi lụy, nó mang lại cho con người niềm tin để sáng tạo và hướng về phía trước với hy vọng tương lai, cô đơn nhưng  không đánh mất đi bản thể Người mà cô đơn là để nhận chân chính bản thân, để khẳng định nhân vị của mình; Và điều này cũng luận giải vì sao cảm thức cô đơn là phẩm tính, là mạch ngầm chủ đạo xuyên suốt thơ Huy Cận nhưng dư âm neo lại trong lòng bạn đọc khi tiếp nhận Lửa thiêng không phải là sự yếu đuối, bi lụy, khóc than, rẫu rĩ cho thân phận “lạc loài”, mà chỉ là nỗi buồn thăm thẳm. Đằng sau “mặt nạ” buồn là lòng yêu đời, khát sống của thi nhân, cho nên đây đó trong Lửa thiêng còn có những dòng thơ trong trẻo, “mang ngầm sinh lực như men ủ nắng” (chữ dùng của Xuân Diệu), ngày nay chúng ta đọc lại vẫn không hề thấy lạc lõng: Trong giấc đẹp sẽ thấy trời mở rộng/ Không gian hồng, đời nhuộm màu hy vọng/ Tôi sẽ giơ tay để đón rước Đời (Lời dịu). Thời khắc đang đi nhịp thái bình(…) Ngoài đường buổi sáng thơm hương mới/ Thú sống thơm mùi cỏ mới lên (Bình yên). Đúng như Xuân Diệu xác quyết trong lời tựa tập Lửa Thiêng: “Cái tiếc sớm, cái thương ngừa ấy chẳng qua là sự trá hình của lòng ham đời, là cái tật dĩ nhiên của kẻ yêu sự sống”9.

3.Xét trên bình diện phổ quát, cảm thức cô đơn cũng là vấn đề thường gặp trong văn chương của nhiều thi nhân mà tên tuổi đã trở nên gắn bó với nền văn hóa dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính...; cũng là một đề tài thường gặp trong thơ của nhiều thi nhân nổi tiếng trên thế giới như: Lý Bạch, Thôi Hiệu, J.Goethe, A.Rimbaud, C.Baudelaire, P.Valéry, G.Apollinaire, S.Mallarmé, A.Puskin, M.Lermontov, S.Yesenin, Onga Becgon... Cảm thức cô đơn trong Lửa thiêng của Huy Cận không nằm ngoài quỹ đạo của tư duy thơ mang tính phổ quát toàn nhân loại. Do vậy, sự hiện hữu cái tôi cô đơn bản thể trong thơ Huy Cận là giá trị chứng tỏ tư duy thơ của ông đã bắt kịp với dòng chảy của tư duy thơ nhân loại. Tám mươi năm đã qua, kể từ khi Lửa thiêng ra đời, thi phẩm của Huy Cận đã được kiểm chứng bởi thời gian, và nó đã chứng tỏ “Ngọc đau buồn, nguyên khối vẫn chưa tan”. Cảm thức cô đơn trong Lửa thiêng có thể coi như một chất ngọc trong “khối sầu thiên cổ” của một thi sĩ mà suốt đời đau đáu tâm niệm: Người biết đấy, lòng tôi trong trắng lắm/ Người cho sao tôi giữ vậy, như gương/ Mặt trời đẹp, sắc đời đua nở thắm/ Tôi đã đành mang nặng nghiệp yêu thương (Trình bày).

Xin mượn lời Xuân Diệu – người bạn tâm giao, tri kỷ một đời của Huy Cận trong lời tựa tập thơ Lửa Thiêng để tưởng nhớ về Huy Cận - thi sĩ của hôm qua, hôm nay và đến muôn sau: “Chúng tôi khuây khỏa trong chuyện đời, ráng lấp cho đầy cái khoảng trống trong linh hồn…chúng tôi sợ sầu, nên làm ngơ với nhớ thương dằng dặc. Nay người nói ra, chúng tôi càng nhớ lại; chúng tôi ngước mắt nhìn lên cõi trời, để hình ảnh hồn chúng tôi. Chúng tôi cũng bơ vơ, mỗi hồn người là một cõi bơ vơ, chúng ta đồng một bơ vơ với nhau, vậy thì người cũng bớt bơ vơ một chút”10./.

CHÚ THÍCH:

1 Sông Thai, Huy Cận và những bước vong thân (Khảo luận phê bình văn học),  Nguyệt san Nhân văn, (8), tháng 2/1971, tr.28

2 Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.136

3 Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc học Tùng thư xuất bản, SG, 1965, tr.579.

4 Jean Paul Sartre,  Le Mur, 1938, tr. 52.

5 Hoài Thanh , Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003, tr.135

6 Hoài Thanh – Hoài Chân: Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội. 2003, tr.136

7 Huy Cận, Lửa Thiêng, Đại học Văn khoa, tái bản, Sài Gòn, 1967, tr.10

8 Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển trung) Sống Mới xuất bản, SG, 1972, tr.596.

9 Huy Cận, Lửa Thiêng, Đại học Văn khoa, tái bản, Sài Gòn, 1967, tr.9.

10 Huy Cận, Lửa Thiêng,  Đại học Văn khoa, tái bản, Sài Gòn, 1967,  tr.11.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huy Cận (1967), Lửa thiêng, Đại học Văn khoa, tái bản, Sài Gòn.

2. Emmanuel Mounier (1970), Thụ Nhân dịch, Những chủ đề triết học hiện sinh, Nhị Nùng Xb, Sài Gòn.

3. Nguyễn Tấn Long (1972), Việt Nam Thi nhân tiền chiến (Quyển trung) Sống Mới Xb, Sài Gòn.

4. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên (tập 3), Quốc Học Tùng thư Xb, Sài Gòn.

5. Hoài Thanh , Hoài Chân  (2003) Thi Nhân Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

6. Sông Thai (1971), Huy Cận và những bước vong thân (Khảo luận, phê bình văn học), Nguyệt san Nhân văn, (8), tháng 2/1971.

 

 

 


Bài viết khác