Nhằm trao đổi, lấy ý kiến chuyên gia, nhà tuyển dụng trong lĩnh vực báo chí truyền thông về nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành cử nhân Báo chí, sáng 17/10, tại Hội trường tầng 5 - Trường Đại học Khoa học đã diễn ra Hội nghị “Đào tạo Báo chí theo hướng liên ngành”.
Hội nghị Đào tạo Báo chí theo hướng liên ngành
Tham dự Hội nghị về phía khách mời, có PGS.TS. Mai Quỳnh Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS. Lê Thanh Bình - Học viện Ngoại giao, PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Học viện Ngoại giao, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt -Viện Trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hoá phương Đông; Nhà báo Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, Nhà báo Đào Xuân Hưng – Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường. Về phía Trường Đại học Khoa học, có PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Cao Thị Hồng - Nguyên Phó Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học; TS. Phạm Chiến Thắng – Phó Trưởng Khoa cùng các thầy cô giáo và sinh viên trong ngành Báo chí.
Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Thái Nguyên có đào tạo ngành Cử nhân Báo chí – một trong những ngành đào tạo mang tính đặc thù cao. PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng cũng nêu rõ những điểm mạnh, tiềm năng và những mặt cần khắc phục trong ngành đào tạo Báo chí của Nhà trường hiện nay. Đồng thời, hy vọng hội nghị có sự “đỡ đầu” của các chuyên gia đầu ngành, các cơ quan báo chí lớn để nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, Khoa đào tạo cần tập trung đào tạo một số kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu giúp sinh viên hoạt động tốt nhất trong lĩnh vực báo chí.
PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học phát biểu khai mạc
Đào tạo báo chí theo hướng liên ngành là rất cần thiết và cơ bản với báo chí học trong giai đoạn hiện nay. Trong báo cáo đề dẫn, TS. Phạm Chiến Thắng – Phó Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học đã nêu thực trạng ngành đào tạo Báo chí, với 11 cán bộ giảng viên trẻ, cùng tổng số sinh viên đã và đang đào tạo là 559; tổng số sinh viên đã tốt nghiệp của Khoa là 450 sinh viên và khung chương trình đào tạo trong 4 năm học là 135 tín chỉ. TS. Phạm Chiến Thắng cũng mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị tuyển dụng có những tham góp thiết thực giúp Khoa đào tạo ra thế hệ sinh viên có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn vững vàng khi ra trường.
TS.Phạm Chiến Thắng – Phó Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học
Về nội dung đào tạo báo chí theo hướng liên ngành, PGS. TS. Mai Quỳnh Nam - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có phân tích về nhu cầu của nghiên cứu liên ngành trong báo cáo “Đào tạo Báo chí theo hướng liên ngành Xã hội và Văn hóa”. Nghiên cứu liên ngành là sự tổng hợp tri thức của nhiều lĩnh vực và nhiều ngành học, là quá trình liên kết, thiết lập các mối quan hệ qua lại, quy định và ảnh hưởng lẫn nhau giữa những phương pháp và quy trình của nhiều chuyên gia khác nhau. Đối với báo chí học, liên ngành phải có cốt lõi của báo chí học cơ sở lý luận. Báo chí có chức năng rất lớn là cung cấp thông tin. Tri thức của báo chí hiện đại đòi hỏi có sự cam kết của tri thức khoa học xã hội và nhân văn. Báo chí có thể liên ngành với xã hội học truyền thông đại chúng, tâm lý học báo chí, chính trị học báo chí, văn hóa học báo chí,...
PGS. TS. Nguyễn Hữu Đạt - Viện Trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông lại mang đến Hội nghị báo cáo chứng minh “Đặc điểm quan trọng trong tính liên ngành giữa Báo chí và Văn học”. PGS.TS nhắc đến nhiều tên tuổi lớn trong báo chí Việt Nam đều trưởng thành từ báo chí. Văn học ra đời trước báo chí, ngôn ngữ báo chí và văn học có những đặc trưng giao nhau. Bản thân văn học là toàn bộ cuộc sống, lý văn học phản ánh cuộc sống. Do vậy, liên ngành báo chí và văn học đòi hỏi người phóng viên phải có phương pháp sử dụng tốt ngôn ngữ báo chí và văn học. Với những ví dụ thực tiễn sinh động cộng với vốn kiến thức rất sâu về ngôn ngữ, văn học, PGS đã chứng minh rằng cách vận dụng kiến thức tổng hợp, cách nhìn nhận sự vật hiện tượng trong tổng thể nhiều mối quan hệ khác nhau, thể hiện qua cả một kho tàng những câu tục ngữ ca dao xưa. Tất cả điều đó đã cho thấy rằng tư duy về nghiên cứu liên ngành văn học dường như đã có từ rất lâu, rất sâu trong tác phẩm báo chí.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Đạt - Viện Trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông
Một trong những điểm gặp nhau cơ bản trong báo cáo của các nhà khoa học tại hội nghị là sự đồng tình với quan điểm coi đào tạo báo chí liên ngành như một xu hướng tất yếu và cần thiết làm tăng tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. PGS.TS. Lê Thanh Bình - Học viện Ngoại giao cho rằng vai trò và tầm quan trọng của tính liên ngành trong khoa học xuất phát từ nhu cầu giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông quốc tế, PGS.TS Lê Thanh Bình nhấn mạnh sinh viên cần có kỹ năng phân tích tổng hợp, chọn đề tài và làm sản phẩm báo chí. Báo cáo không chỉ tổng kết lại các kinh nghiệm đào tạo liên ngành báo chí ở nước ngoài mà còn đề xuất nhiều định hướng cho việc đào tạo báo chí tại Đại học Khoa học trong thời gian tới.
PGS.TS. Lê Thanh Bình - Học viện Ngoại giao với báo cáo “Nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành cử nhân Báo chí”
PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Học viện Ngoại giao cho rằng một ngành khoa học riêng lẻ dù mạnh đến mấy cũng không thể giải quyết được triệt để và toàn diện các vấn đề của thực tiễn. Kiến thức kinh tế rất cần cho sinh viên làm báo. Đào tạo báo chí đa ngành, liên ngành với kinh tế để có thể đưa ra những phản ứng nhanh và chính xác nhất trước các biến động kinh tế, xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Văn Lịch - Học viện Ngoại giao với báo cáo“Tăng cường đào tạo kiến thức về kinh tế báo chí cho sinh viên ngành cử nhân Báo chí”
Trước sự cạnh tranh quyết liệt trong công tác tuyển sinh, và khó khăn trong giới hạn về nguồn nhân lực báo chí, thì hướng giảng dạy và nghiên cứu liên ngành báo chí là quan trọng và cần thiết. Hội nghị nhận được thêm nhiều tham góp bổ sung phát triển chương trình đào tạo báo chí.
Về nội dung yêu cầu thực tiễn đối với chương trình đào tạo ngành Báo chí, trong báo cáo “Một số ý kiến trao đổi về yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp đối với chương trình đào tạo ngành cử nhân Báo chí”, Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Thái Nguyên lại nhìn nhận bản chất kỹ năng làm nghề của người học trong đào tạo Báo chí. Đại học báo chí rất đặc thù, không giống như ngành nghề khác. Báo chí là khoa học tác nghiệp cho nên cần đào tạo sinh viên có khả năng tác nghiệp, có khả năng sản xuất tin, bài. Người dạy cần dạy làm nghề, người học tự học, tự thực hành nhiều. Nếu không khó có thể đáp ứng được yêu cầu của các tòa soạn. Nhà báo cũng nhấn mạnh sinh viên đã theo nghề phải có đam mê nghề báo bởi nếu “không có đam mê, không thể đi đến tận cùng.”
Cũng đồng quan điểm như trên, áp dụng đối với kỹ năng làm nghề của người học, Nhà báo Đào Xuân Hưng- Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên & Môi trường – Bộ Tài nguyên & Môi trường có nhiều gợi mở trong báo cáo “Hợp tác giữa cơ sở giáo dục và tòa soạn – giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo”. Theo Nhà báo, yêu cầu về kỹ năng nghiệp vụ của sinh viên báo chí khi ra trường là vô cùng quan trọng. Các cơ quan doanh nghiệp hiện nay cần sử dụng nhân lực báo chí lớn. Dự hội nghị, PGS.TS. Cao Thị Hồng – Nguyên Phó Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học cũng chia sẻ về việc quyết tâm và dấn thân của các thầy cô ngành Báo trong việc đào tạo kỹ năng nghề cho sinh viên.
Phát biểu bế mạc, TS.Phạm Chiến Thắng – Phó Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học đã ghi nhận tinh thần làm việc nhiệt tình, nghiêm túc, chuyên nghiệp của các chuyên gia đánh giá. Những nhận định, đánh giá về điểm mạnh và nội dung cần cải tiến sẽ tạo động lực, khuyến khích cán bộ, giảng viên các khoa và ngành trong Trường tiếp tục cải thiện chất lượng giảng dạy, nâng cao chất lượng chương trình ngày càng tốt hơn. Đồng thời, khẳng định sẽ phát huy những điểm mạnh và cải thiện những mặt còn hạn chế để ngày càng nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội trong xu thế hội nhập. Trên cơ sở những góp ý của các chuyên gia, nhà báo, nhà khoa học, Khoa sẽ tiến tới xây dựng khung chương trình đào tạo ngành cử nhân báo chí mang những nét đặc thù riêng của Khoa, của Đại học vùng Thái Nguyên.
Nghiên cứu và đào tạo liên ngành trong khoa học xã hội và nhân văn hiện nay nói chung và ngành báo chí nói riêng được coi là tất yếu và cần thiết để giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Hội nghị đã mở ra cơ hội hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các chuyên gia, nhà tuyển dụng có uy tín. Đồng thời là điểm nhấn quan trọng của Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học trong việc chủ động hòa nhập và nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí./
Vi Phương (Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học)