Tham dự chương trình các giảng viên Bộ môn Trung quốc học, giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông và sinh viên Trường Đại học Khoa học, cùng hai diễn giả: TS. Phạm Thị Tuấn Linh – Khoa Quốc tế Đại học Thái Nguyên và TS. Phạm Chiến Thắng – Trưởng bộ môn Trung Quốc học, trường Đại học Khoa học.
TS. Phạm Chiến Thắng & diễn giả Phạm Thị Tuấn Linh cùng các nhà khoa học trẻ tham dự buổi tọa đàm
Cũng giống như hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên trong trường đại học. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của người giảng viên. Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Phạm Chiến Thắng cho biết: “Chúng tôi lên ý tưởng để tổ chức một chương trình chia sẻ cho mọi người có hình dung rõ hơn về quy trình thực hiện nghiên cứu, công bố nghiên cứu khoa học trên các tạp chí chuyên ngành”.
TS. Phạm Chiến Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm
Diễn giả Phạm Thị Tuấn Linh giảng viên khoa Quốc Tế - ĐHTN là một trong 10 gương mặt trẻ Thái Nguyên tiêu biểu năm 2021 với không ít những thành tích nổi bật trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Cô là tác giả của 31 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Trong đó có 10 bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí danh tiếng thuộc danh mục ISO – top 25% tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín nhất theo xếp hạng của Web of Science – WoS, với vai trò tác giả chính và đồng tác giả. Nhận bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho thành tích xuất sắc cho phong trào thi đưa “ đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm 2020.
Diễn giả Phạm Thị Tuấn Linh giảng viên khoa Quốc Tế - ĐHTN, tác giả của 31 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế
Trong không khí trao đổi cởi mở, diễn giả Phạm Thị Tuấn Linh chia sẻ về phương pháp thực hiện nghiên cứu để cho ra một bài báo công bố khoa học, theo cô: “Nhà nghiên cứu không nên quá tham vọng, chỉ nên chuyên tâm vào một vấn đề trọng tâm. Cần đọc nhiều để hiểu cấu trúc, quen với motip, nắm được kĩ năng triển khai bài nghiên cứu. Sưu tầm nhiều tài liệu khoa học để tham khảo.”
Diễn giả còn chỉ ra những thuận lợi, khó khăn khi nghiên cứu: “Thuận lợi là chuyên ngành xã hội nên tổng hợp thông tin rất rễ ràng, chỉ cần bỏ thời gian tìm hiểu, khai thác thông tin. Khó khăn số liệu còn hạn chế, có ít bài báo khoa học được công bố, kinh phí hỗ trợ vẫn còn ít ỏi. Đặc biệt với nhà khoa học nữ làm nghiên cứu sẽ vất vả hơn so với đồng nghiệp nam vì phải cân bằng giữa công việc và gia đình chăm lo con cái không có nhiều thời gian”
Diễn giả Phạm Thị Tuấn Linh chia sẻ phương pháp thực hiện nghiên cứu để xuất bản bài báo công bố khoa học
Diễn giả cũng chia sẻ về rào cản lớn nhất khi gửi bài công bố trên tạp chí Quốc tế là ngoại ngữ. Hầu hết các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế là tiếng Anh. Các nghiên cứu cần sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, vì vậy cần phải chú ý rà soát câu chữ và ngôn từ sử dụng sao cho chuẩn nhất, sát nghĩa nhất có thể.
TS. Phạm Chiến Thắng cũng có những chia sẻ về kinh nghiệm của mình khi thực hiện công trình nghiên cứu của mình: “Khi triển khai công trình nghiên cứu, đầu tiên hãy viết bằng tiếng Việt, bám sát cấu trúc của bài báo công bố quốc tế. Tập cách diễn đạt đủ ý, chuẩn câu theo đúng văn phong khoa học.” Người nghiên cứu cũng cần chọn lọc, tìm hiểu kĩ các tài liệu tiếng Anh, cần nắm chắc phương pháp nghiên cứu hiện đại, phù hợp với xu hướng quốc tế. Bên cạnh đó, bản thân nhà khoa học cần phải chuẩn bị cho mình một hồ sơ về thành tích nghiên cứu nổi bật, để tăng cơ hội được các tạp chí xem xét bản thảo.
Buổi tọa đàm đã gợi mở các cơ hội phát triển cho các giảng viên ngành Trung Quốc học nói riêng và cho trường đại học Khoa học nói chung trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ nâng cao tinh thần nghiên cứu, có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín, phục vụ cho công tác giảng dạy sinh viên.
Thế Linh BC 17