Sinh viên báo chí nỗ lực tìm kiếm tri thức mới trong khoa học


Những năm gần đây, sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phong trào nghiên cứu khoa học. Đây không chỉ là sự lựa chọn học thuật, mà còn như một cam kết sâu sắc với việc hiểu và định hình lại ngành báo chí trong kỷ nguyên số hóa đang không ngừng phát triển.

Sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông tại Hội nghị "Khoa học Trẻ Trường Đại học Khoa học lần thứ VI 2024"

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Một trong những điểm đáng chú ý là việc nhiều sinh viên báo chí đã bắt đầu áp dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành trong các đề tài nghiên cứu của mình. Những đề tài kết hợp giữa báo chí với xã hội học, văn hóa học, chính trị học vừa tạo ra những nghiên cứu sâu sắc và giúp giải mã những hiện tượng truyền thông phức tạp, đồng thời làm nổi bật được các yếu tố xã hội đang ảnh hưởng đến báo chí hiện nay.

Sinh viên Nguyễn Thị Vân Anh  - Báo chí K19 từng nghĩ nghiên cứu là việc của giảng viên hay những người học cao học. Vân Anh cho biết “Mình kết hợp liên ngành giữa báo chí và xã hội học trong nghiên cứu để hiểu nghiên cứu của mình hơn. Chính điều đó giúp đề tài nghiên cứu có chiều sâu và có khả năng ứng dụng thực tiễn cao hơn.”.

Sinh viên báo chí tích cực trong nghiên cứu khoa học

Sinh viên Vũ Thị Vân Thương cho biết: “Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên báo chí có chiều sâu khách quan hơn. Trong một thế giới ngập tràn thông tin, việc biết cách đặt câu hỏi, tra cứu tài liệu và xây dựng lập luận khoa học là kỹ năng vô cùng cần thiết đối với người làm báo.” Đó chính là chìa khóa giúp sinh viên phát triển bản thân và chuẩn bị tốt hơn cho nghề nghiệp sau này.

Những đề tài được đánh giá cao

Không ít nghiên cứu của sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học đã đạt được thành tích xuất sắc trong các hội nghị và cuộc thi khoa học. Những đề tài nghiên cứu nghiên cứu khoa học sinh viên này được ghi nhận bởi tính mới mẻ, sáng tạo mà và đánh giá cao về khả năng ứng dụng thực tiễn. Một số nghiên cứu đã được triển khai trong cộng đồng hoặc đăng tải trên các tạp chí học thuật, góp phần khẳng định sức mạnh của sự kết hợp giữa học thuật và thực tiễn trong lĩnh vực báo chí.

Sinh viên Báo chí tại Hội nghị Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong cán bộ trẻ và sinh viên Đại học Thái Nguyên

Để có được những thành công này, không thể không nhắc đến sự đồng hành và hỗ trợ nhiệt tình từ các giảng viên. Các thầy cô đóng vai trò là người truyền đạt kiến thức mà còn là những người truyền lửa, giúp sinh viên tìm ra những câu hỏi đúng đắn và định hướng nghiên cứu một cách hiệu quả. Những chương trình tập huấn, tọa đàm về phương pháp nghiên cứu được tổ chức thường xuyên tại Khoa đã giúp sinh viên có thêm cơ hội trao đổi, học hỏi và phát triển tư duy phản biện một cách sâu rộng.

Khi báo chí đang đối mặt với thách thức lớn của thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả, với sinh viên, việc nghiên cứu và nắm vững phương pháp luận khoa học trở thành yếu tố then chốt giúp họ kiểm chứng nguồn tin, tránh sai sót và xây dựng thông tin một cách chính xác, có cơ sở. Sinh viên Hoàng Ngọc Hà - gương mặt nổi bật trong phong trào nghiên cứu khoa học của Khoa, chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học giúp mình đào sâu kiến thức chuyên môn, mà còn là cách để phát triển tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin. Trong bối cảnh tin giả tràn lan, người làm báo càng cần biết cách đặt câu hỏi, kiểm chứng nguồn tin và trình bày thông tin có căn cứ. Ngoài ra, NCKH còn giúp mình khám phá những vấn đề thời sự, các xu hướng truyền thông mới như AI, báo chí dữ liệu, truyền thông đa phương tiện...”

Sinh viên Hoàng Ngọc Hà, Hoàng Nhật Mai – Báo chí K19 tham gia Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Eureka XXVI 2024

Khó khăn nhưng đầy tiềm năng

Đối với nhiều sinh viên báo chí, nghiên cứu khoa học trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình đào tạo, rèn luyện tư duy phản biện và phát triển kỹ năng chuyên môn. Sinh viên học để làm báo, nghiên cứu để hiểu sâu hơn về cơ sở lý luận của ngành báo chí truyền thông, từ đó đưa ra những góc nhìn mới mẻ về xã hội, con người và xu hướng truyền thông hiện đại.

Nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi một quá trình học hỏi bền bỉ và kiên trì, đặc biệt là đối với sinh viên Khoa Báo chí – Truyền thông. Chính sự “lặng lẽ” và kiên trì ấy đã tạo nên những bản lĩnh cần thiết cho những người làm báo trong tương lai – những người biết đặt câu hỏi, dám hoài nghi và không ngừng học hỏi để phát triển nghề nghiệp.

Những kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị lý luận và thực tiễn cao đã tạo ra những kiến thức mới và góp phần định hình lại tương lai của ngành báo chí. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bạn sinh viên, tương lai kỳ vọng vào thế hệ nhà báo đầy bản lĩnh, sáng tạo, và trách nhiệm, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách trong bối cảnh báo chí đang chuyển mình mạnh mẽ trước làn sóng số hóa.

          Hoàng Phương Thùy

 


Bài viết khác