Vũ Thị Như Quỳnh – Báo chí K20
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo cao cấp và nhà lý luận xuất sắc, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Di sản báo chí của ông với những tư tưởng về đạo đức nghề báo có giá trị lý luận và thực tiễn cao, định hướng hoạt động báo chí trong thời đại mới. Trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (2024), ông đã nhấn mạnh vai trò của đạo đức nghề báo qua 24 bài viết quan trọng, có ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn.
Giữ vững đạo đức nghề báo giữa làn sóng thông tin sai lệch
Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp và xã hội. Trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã khẳng định vai trò cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc phản ánh trung thực, kịp thời các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như tuyên truyền hình ảnh đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhà báo thiếu bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp, vi phạm Luật Báo chí. Trong bối cảnh hiện nay, khi thông tin giả mạo và tin tức sai lệch đang tràn lan, việc nghiên cứu đạo đức nghề báo càng trở nên cấp thiết. Trong một thế giới đầy biến động thông tin, di sản báo chí của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những thành tựu quan trọng giúp báo chí cách mạng Việt Nam giữ vững định hướng chính trị, đạo đức và bản sắc dân tộc. Tư tưởng về đạo đức nghề báo mà Nguyễn Phú Trọng để lại không chỉ là nền tảng cho đội ngũ nhà báo hôm nay mà còn là nền tảng cho sự phát triển lành mạnh, nhân văn của nền báo chí quốc gia trong tương lai.
Từ đầu những năm 2000 đến cuối nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục có những bài viết và phát biểu định hướng sâu sắc về đạo đức nghề báo. Trong đó, ba giá trị cốt lõi luôn được ông nhấn mạnh là trung thực, khách quan và trách nhiệm xã hội. Đây cũng chính là ba nguyên tắc nền tảng của đạo đức báo chí toàn cầu và càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế và đối mặt với sự bùng nổ của mạng xã hội. Ông cho rằng báo chí phải trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng – nơi bảo vệ sự thật, phê phán cái xấu, cổ vũ cái tốt. Chính vì vậy, ông luôn cảnh báo về hiện tượng “thương mại hóa báo chí”, nơi một số người làm báo chạy theo lượt xem, theo lợi nhuận mà quên đi sứ mệnh của mình. Trong bài phát biểu tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, ông từng nói: “Báo chí không thể là một thứ hàng hóa, chạy theo thị trường mà đánh mất mình.”
Điểm đặc biệt trong tư tưởng của ông là mối liên hệ chặt chẽ giữa đạo đức nghề báo và bản lĩnh chính trị. Nhà báo muốn giữ được đạo đức thì không thể tách rời nền tảng lý luận, không thể thiếu sự kiên định về tư tưởng, niềm tin vào con đường phát triển của đất nước. Đó là lý do vì sao ông luôn nhấn mạnh yêu cầu “phải học lý luận chính trị, phải có kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” đối với người làm báo. Không chỉ là lời kêu gọi, Nguyễn Phú Trọng đã trực tiếp chỉ đạo việc đưa đạo đức nghề báo vào chương trình đào tạo, khuyến khích tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu, các diễn đàn về trách nhiệm xã hội của người làm báo. Những ý tưởng đó đến nay vẫn đang được kế thừa trong các hội thảo của Hội Nhà báo Việt Nam và chương trình giảng dạy tại nhiều trường báo chí.
Xây dựng đội ngũ nhà báo có đạo đức, bản lĩnh
Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận rất rõ vai trò then chốt của con người trong việc thực thi đạo đức báo chí. Ông từng nói: “Không thể có một nền báo chí có đạo đức nếu những người làm báo không có đạo đức.” Từ đó, ông đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, không chỉ ở kiến thức, kỹ năng mà còn ở phẩm chất cá nhân – điều được ông ví là “bản lĩnh nghề nghiệp”.Tư tưởng của ông đặc biệt chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức nghề báo từ thực tiễn. Ông nhiều lần nhấn mạnh: nhà báo không thể ngồi trong phòng lạnh mà viết về đời sống; người làm báo cần hòa mình vào thực tế, lắng nghe dân, cảm nhận được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Chỉ có như vậy, bài báo mới có chiều sâu, có sức lay động và mang tính nhân văn đích thực.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là người mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà báo. Ông cho rằng, để người làm báo giữ vững đạo đức và trung thành với sự thật, họ cần được làm việc trong môi trường an toàn, minh bạch, có bảo vệ pháp lý đầy đủ. Trong nhiều phát biểu, ông đề xuất xây dựng cơ chế giám sát nội bộ công khai, tăng quyền chủ động cho tòa soạn nhưng đồng thời đẩy mạnh trách nhiệm xã hội.
Trong bối cảnh công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng thói quen tiếp nhận thông tin, ông Trọng kêu gọi người làm báo cần nắm bắt kỹ năng mới, nhưng luôn giữ vững bản chất nghề nghiệp: viết vì lợi ích công cộng, chứ không vì lợi ích nhóm; đưa tin để định hướng, chứ không phải thao túng công luận. Di sản của ông về xây dựng đội ngũ nhà báo còn nằm ở việc khuyến khích phát triển các cơ quan báo chí chủ lực theo hướng “có bản sắc riêng nhưng đồng nhất về định hướng chính trị”. Theo ông, mỗi tờ báo cần đóng góp một giọng nói độc lập nhưng không thể lệch khỏi nguyên tắc vì dân, vì nước. Đó là cách để báo chí cách mạng vừa đa dạng, vừa thống nhất trong mục tiêu phụng sự Tổ quốc và nhân dân,
Nguyễn Phú Trọng, với vai trò là một nhà lãnh đạo và nhà báo, đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đạo đức nghề báo tại Việt Nam. Những giá trị này cần thể hiện trong các tác phẩm báo chí và trong cách ông định hướng và lãnh đạo ngành báo chí. Đạo đức nghề báo là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin của công chúng đối với báo chí. Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng nhà báo cần phải tuân thủ các nguyên tắc đạo đức như trung thực, khách quan, và trách nhiệm với xã hội. cho rằng nhà báo phải đảm bảo thông tin được cung cấp là chính xác và không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay nhóm lợi ích. Điều này giúp nâng cao tính chính xác và độ tin cậy của thông tin báo chí. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển nghề báo tại Việt Nam. Nhà báo đã nhấn mạnh vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân về các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế. Điều này cần giúp người dân hiểu rõ hơn về tình hình đất nước và khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm công dân.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Thông tin và Truyền thông (2007), Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí, H.
- Nguyễn Văn Dững (2008), Nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí cách mạng, Tạp chí Lý luận chính trị, số tháng 6.
- Hà Đăng (2002), Nâng cao năng lực và phẩm chất của phóng viên báo chí trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, H.
- Nguyễn Thị Trường Giang (2011), Đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, Nxb Chính trị - Hành chính, H.
- Hội Nhà báo Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, H.
- Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thu Trang (2019), Đạo đức nghề nghiệp báo chí – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Lý luận Chính trị và Truyền thông.
- Hoàng Phê (2010), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2022), Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Nguyễn Phú Trọng (2023), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Phần IV, Báo chí – Xuất bản, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Thông tấn xã Việt Nam (2024), Giá trị sâu sắc trong những cuốn sách của Nguyễn Phú Trọng, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, (link https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/gia-tri-sau-sac-trong-nhung-cuon-sach-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1491925258 ), ngày đăng tải 23/07/2024, ngày truy cập 27/10/2024.
- Đức Tuân (2024), Thấm thía những câu nói sâu sắc, tâm huyết để đời của Nguyễn Phú Trọng, Báo Điện tử Chính phủ (https://baochinhphu.vn/tham-thia-nhung-cau-noi-sau-sac-tam-huyet-de-doi-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-102240722173204904.htm ), ngày đăng tải 22/07/2024, ngày truy cập 27/10/2024.
- Lê Thị Thu Hồng - Viện Hồ Chí Minh (2024), Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, Tạp chí Tài chính (https://tapchitaichinh.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-khang-dinh-phat-huy-gia-tri-di-san-ho-chi-minh-trong-boi-canh-moi.html ), ngày đăng tải 25/07/2024, ngày truy cập 27/10/2024.
- Minh Đức (2024), Nguyễn Phú Trọng tấm gương mẫu mực sáng ngời về đạo đức, Báo Nhân dân (https://special.nhandan.vn/Tong-Bi-thu-Nguyen-Phu-Trong-tam-guong-mau-muc-sang-ngoi-ve-dao-duc-cach-mang/index.html ) ngày đăng tải 3/8/2024, ngày truy cập 25/10/2024.
- Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo được nhân dân yêu mến, 19/07/2024, (https://dantri.com.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nha-lanh-dao-duoc-nhan-dan-yeu-men-20240719192207559.htm), ngày truy cập 24/10/2024.
- Nhà báo Nguyễn Phú Trọng: Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn, (https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/nha-bao-nguyen-phu-trong-nghe-bao-la-nghe-cao-quy-nhung-vo-cung-gian-kho-kho-khan-663140), ngày truy cập 27/10/2024.
- Kim Thanh, Lại Hoa (2024), Nguyễn Phú Trọng - Tấm gương sáng của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, 27/07/2024, (https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tam-guong-sang-cua-nen-bao-chi-cach-mang-viet-nam-post1110110.vov), ngày truy cập 24/10/2024.
- Trần Ngọc Châu, Tưởng nhớ một nhà báo lớn của nền báo chí Cách mạng, 25/07/2024 (https://baochinhphu.vn/tuong-nho-mot-nha-bao-lon-cua-nen-bao-chi-cach-mang-102240724162301544.htm), ngày truy cập 24/10/2024.