Khoa Báo chí - Truyền thông & Văn học, Khoa Tài Nguyên & Môi trường tổ chức livestream tư vấn tuyển sinh


Nhằm giải đáp những thắc mắc của thí sinh liên quan đến công tác đào tạo, tuyển sinh năm 2020, vào lúc 20h30 phút đến 21h30 phút ngày 29/4, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên thực hiện chương trình Livestream tư vấn tuyển sinh số 2 nhóm ngành Báo chí và Môi trường. Chương trình được phát trực tiếp trên Fanpage Trường Đại học Khoa học và kênh Youtube: TNUS OFFICIAL CHANNEL.

Tham gia chương trình có PGS.TS. Trịnh Thanh Hải - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Khoa học, PGS.TS. Cao Thị Hồng – Phụ trách Khoa Báo chí - Truyền thông & Văn học, PGS.TS. Ngô Văn Giới - Trưởng khoa Tài Nguyên và Môi trường.

Trong suốt thời gian phát sóng livestream, rất nhiều câu hỏi liên quan đến chương trình đào tạo, môi trường học tập, cơ hội việc làm và cách thức tuyển sinh của hai ngành Báo chí và Môi trường tại Trường Đại học Khoa học đã được các bậc phụ huynh cùng các em học sinh gửi về cho chương trình. Các câu hỏi của thí sinh và phụ huynh đặt ra đã được các thầy, cô chia sẻ, giải đáp cụ thể.

Hoàng Trâm Anh (Thái Nguyên): “Trong một số điều chỉnh về kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay, hình thức, tổ hợp xét tuyển vào trường Đại học Khoa học về Khoa Báo chí và Khoa Môi trường như thế nào?”.

PGS.TS Trịnh Thanh Hải – Chủ tịch Hội đồng Trường: “Trường Đại học Khoa học có 3 hình thức tuyển sinh chính: Hình thức thứ nhất  đó là xét tuyển thằng (đối với hs trường chuyên, học sinh trường năng khiếu,hs đội tuyển hs giỏi các môn chuyên môn khoa học kỉ thuật cấp tỉnh trở lên); Hình thức thứ 2 là xét theo kết quả học bạ mà các em tích lũy được trong quá tình học tại trường THPT; thứ ba là dựa vào kết quả kì thi tốt nghiệp THPT.”

* Kim Chi (Đông Anh, Hà Nội): "Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học  đào tạo những ngành gì? Xin cô có thể cho em rõ hơn đôi nét về cơ hội việc làm khi học các ngành đào tạo của khoa?"

PGS.TS. Cao Thị Hồng: "Khoa Báo chí - Truyền thông & Văn học có 2 hệ đào tạo: Hệ đào tạo đại học và hệ đào tạo sau đại học. Hệ đại học đào tạo 3 ngành: Báo chí, Văn học ứng dụng, Việt Nam học. Hiện tại khoa có đào tạo cả sinh viên trong nước và sinh viên quốc tế. Hệ sau đại học: Đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. Hiện tại khoa đang đào tạo để cấp bằng trình độ Thạc sĩ cho các thầy/cô giáo đang làm công tác giảng dạy tại trường phổ thông ở mọi vùng miền.

Ngành báo chí là ngành đạo tạo chính của khoa: Người học được trang bị kiến thức, kỹ năng, trau dồi phẩm chất, rèn luyện bản lĩnh để có thể làm việc tại các cơ quan, tổ chức như tòa soạn báo chí, nhà xuất bản, đài phát thanh truyền hình, hãng thông tấn, cơ quan tổ chức ngoại giao, công ty quảng cáo, các trường học, cơ quan nghiên cứu, các công ty và các cơ quan thuộc nhiều lĩnh vực khác... Trong xã hội hiện đại, nghề làm báo là một nghề có nhiều cơ hội việc làm, luôn mang lại cho chúng ta những khám phá thú vị về cuộc sống xã hội, con người...

Chương trình đào tạo ngành Văn học ứng dụng đặc biệt khác với chương trình đào tạo Cử nhân Sư phạm Ngữ văn và Cử nhân Văn học kiểu truyền thống trước đây, bởi vì chương trình văn học ứng dụng gắn với khối kiến thức truyền thông. Sinh viên được phát triển các kĩ năng nghề nghiệp gắn với truyền thông (như truyền thông đại chúng, truyền thông doanh nghiệp và truyền thông xuất bản, nghiệp vụ văn phòng,  Hướng dẫn viên du lịch; Quản lý và tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật tại các sở, ban ngành địa phương; Chuyên viên truyền thông, viết kịch bản, xây dựng chiến lược tiếp thị và tổ chức chương trình quảng bá ấn phẩm văn hóa nghệ thuật; Viết bài quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp và nhà xuất bản, Biên tập báo chí, Làm báo chí về Văn học Nghệ thuật...)

Học văn học theo định hướng ứng dụng chính là một lựa chọn phù hợp cho những người học yêu văn chương và khối ngành xã hội. Cơ hội nghề nghiệp không chỉ dừng lại ở việc dạy học và nghiên cứu, hoặc sáng tác văn học như nhiều người hiện nay vẫn thường nghĩ. Câu trả lời của PGS. TS. Cao Thị Hồng đã giúp quý phụ huynh và các bạn thí sinh hiểu rõ hơn về các ngành đào tạo của Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học".

PGS.TS. Cao Thị Hồng (ở giữa) – Phụ trách Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học đang giải đáp thắc mắc cho thí sinh

Lựa chọn học ở đâu để có thể có yên tâm về chất lượng giảng dạy và thuận lợi cho việc sinh hoạt, học hành trong suốt thời sinh viên cũng là lo lắng chính đáng của nhiều bạn học sinh cuối cấp.

* Kim Chi (Thị xã Bắc Kạn): "Em đang có ý định học ngành Báo chí, bố mẹ em muốn em phải học các Trường dưới Hà Nội, nhưng em lại thích học trên Thái Nguyên, em muốn thầy/cô cho biết nếu em học ở Khoa Học Báo chí của trường ĐH Khoa học Thái Nguyên thì em sẽ có cơ hội học tập thuận lợi gì so với việc học ở Hà Nội?"

PGS.TS Cao Thị Hồng: "Cảm ơn câu hỏi của em, đây cũng là điều băn khoăn của nhiều bạn khi lựa chọn nơi học ngành báo chí. Theo tôi, khi chọn học ở Khoa Báo chí của trường ĐH Khoa học Thái Nguyên thì em sẽ có một số thuận lợi sau đây:

Thứ nhất là thuận lợi về chi phí cho học tập và sinh hoạt: các bạn đều biết chi phí sống và học tập ở Thái Nguyên sẽ rẻ hơn, tiết kiệm hơn so với ở Hà Nội, và đặc biệt năm 2020 nhà trường có nhiều chính sách hỗ trợ cho chi phí học tập của sinh viên. Và nếu các bạn sống ở địa bàn Tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận thì việc chọn học Báo chí tại trường ĐH Khoa học Thái Nguyên sẽ giảm chi phí cho các bạn rất nhiều.

Thứ hai, đó là thuận lợi về việc rèn nghề, học kinh nghiệm, kỹ năng làm báo: Nếu xét về các học phần trong khung chương trình đào tạo thì các đơn vị đào tạo báo chí ở Thái Nguyên, Hà Nội hay xa hơn ở TP.HCM là hầu như đều giống nhau. Tuy nhiên, chúng tôi có một sự thuận lợi không phải ở vùng nào cũng có đó là nhiều các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và địa phương đóng rất tập trung tại thành phố Thái Nguyên, ở rất gần trường, cho nên phát huy lợi thế này, khoa chúng tôi đã và đang tiếp tục chuyển hướng mạnh từ mô hình đào tạo thiên về lý thuyết sang mô hình đào tạo coi trọng thực hành, tăng cường rèn nghề; sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa nhà giáo và nhà báo để  tạo ra sản phẩm đào tạo là các nhà báo có năng lực chuyên môn, thích ứng với công việc làm báo đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Với mô hình đào tạo này, ngoài việc thực tập, thực tế bắt buộc theo chương trình, các bạn sinh viên nếu muốn sẽ thường xuyên được thầy, cô kết nối với các nhà báo chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm để tham gia các chuyến đi tác nghiệp, học hỏi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm làm nghề.

Thứ ba thuận lợi là từ đội ngũ giảng viên – những người trực tiếp đi cùng các bạn đến đích.  Tôi rất tự hào vì ở khoa Báo chí-TT & Văn học trường ĐH Khoa học Thái Nguyên chúng tôi,  có đội ngũ giảng viên trẻ, năng động, nhiệt tình, trình độ cao,  hầu hết đã có học vị tiến sĩ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Đó cũng là thế mạnh đầy tiềm năng hiện nay của khoa để các bạn sinh viên có thể khai thác chất xám, học hỏi kiến thức, được các thầy cô tư vấn rèn nghề nếu các bạn thực sự say mê học nghề làm báo.

Thứ tư là thuận lợi về cơ hội việc làm: Với trải nghiệm 4 năm học tại khoa, các bạn được tiếp cận với thực tế cuộc sống xã hội, tích lũy kỹ năng sống, kỹ năng làm nghề, gắn bó, hiểu biết sâu sắc với vùng miền quen thuộc của mình, các bạn sẽ tự tin hơn, vượt qua giới hạn của chính mình,  khi ra trường các bạn sẽ có nhiều cơ hội thử sức để làm việc tại các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học..."

Có nhiều bạn trẻ cũng đã gửi inbox cho Fanpage của Khoa Đại học Khoa học để được các cán bộ tư vấn tuyển sinh.

* Bạn Hồng Hạnh (Bắc Giang): Nếu chúng em học ngành báo chí thì chúng em sẽ có cơ hội thực hành nghề nghiệp ở đâu?

PGS.TS Cao Thị Hồng: "Ngành Báo chí chủ trương đào tạo theo hướng ứng dụng, học lý thuyết là để làm thực hành cho tốt,  vì thế các bạn có cơ hội đi thực tế nghề tại ở rất nhiều các tòa soạn, các văn phòng đại diện báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn Thái Nguyên hoặc các cơ quan thông tấn báo chí ở các tỉnh khác (Chẳng hạn các bạn có thể được thực hành nghề tại Đài phát thanh TH tỉnh Thái Nguyên, PTTH Thành Phố Thái Nguyên, Tòa soạn báo Thái Nguyên, Báo VN Thái Nguyên, VP đại diện Báo Giáo dục TĐ, VP đại diện TTXVN, Báo quân khu 1, Đài tiếng nói Việt Nam VOV, và nhiều các cơ quan báo chí trung ương  khác...). Bên cạnh đó các bạn có thể thực hành nghề tại những phòng nghiệp vụ của khoa mà nhà trường cũng đã trang bị khá đầy đủ những thiết bị để sinh viên có thể tập tác nghiệp báo chí".

Nick Facebook là “Tram Nguyen” bày tỏ sự quan tâm tới  cơ hội việc làm cho cử nhân ngành Tài nguyên và Môi trường.

PGS.TS Ngô Văn Giới – Trưởng khoa: Với kinh nghiệm gần 20 xây dựng và phát triển, khoa hiện nay đang đào tạo Thạc sĩ Tài nguyên & Môi trường và 02 ngành cử nhân là Cử nhân Khoa học môi trường và Cử nhân Quản lí tài nguyên môi trường. Khoa đang xây dựng 4 chương trình đào tạo là: công nghệ xử lí môi trường; An toàn sức khỏe và môi trường; Quản lí đất đai & Kinh doanh bất động sản; Quản lí tài nguyên và môi trường. Sau khi học xong đạt chuẩn đầu ra của nhà trường thì sinh viên có thể làm việc tại cơ quan từ Trung ương đến địa phương.”

Chương trình đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của học sinh và phụ huynh học sinh trên cả nước. Bên cạnh đặt câu hỏi trực tiếp trên livestream, nhiều bạn trẻ cũng đã gửi inbox cho Fanpage của Đại học Khoa học để được các cán bộ tư vấn tuyển sinh của nhà trường tư vấn cụ thể và chi tiết hơn về các chương trình đào tạo cùng chính sách học bổng của nhà trường dành cho sinh viên.

Trường Đại học Khoa học nói chung và Khoa Báo chí -Truyền thông & Văn học, Khoa Tài Nguyên và Môi trường nói riêng đã và đang luôn luôn nỗ lực kết nối với những cơ quan, tổ chức để sinh viên có thể vừa học vừa làm nghề ngay trên giảng đường đại học và có công việc ổn định sau khi ra trường. Bên cạnh đó, với quan điểm “lấy người học làm trung tâm”,  Trường Đại học Khoa học đã đầu tư mạnh mẽ các trang thiết bị hiện đại, đổi mới cách giảng dạy phù hợp với thời đại mới, nhằm tạo hứng khởi và nâng cao tri thức cho người học. Thiết nghĩ, Trường Đại học Khoa học là lựa chọn đáng tin cậy của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm 2020./
                                                                                                                                Nguyễn Kiên (CLB Báo chí – Văn học Windsteps)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Bài viết khác