Tập huấn nghiệp vụ phóng sự điều tra cùng nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - một trải nghiệm thú vị về nghề, về đời


Nhờ cơ duyên mà tôi may mắn được tham dự Khóa tập huấn nghiệp vụ báo chí về thể loại Phóng sự điều tra – Một thể loại khó nhất trong các thể loại báo chí. Khóa học do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Hội nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội nhà báo Tỉnh Thái Nguyên phối hợp tổ chức, diễn ra trong hai ngày và đã kết thúc. Điều tôi nhớ mãi không chỉ là những kiến thức về nghiệp vụ báo chí mà còn là những bức ảnh, những đoạn video có sức mạnh phơi bày sự thật hơn vạn lời tố cáo được làm nên bởi một nhà báo tài năng, đầy tâm huyết và dũng cảm – Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Anh chia sẻ nghiệp vụ với chúng tôi bằng sự trải nghiệm của chính mình. Anh nói cho chúng tôi nghe, cho chúng tôi xem biết bao tư liệu về những con người anh đã gặp; những số phận anh đã cứu vớt bằng bài viết và những nghĩa cử thiết thực, thấm đẫm ân tình!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng say sưa chia sẻ về kỹ năng nghề với học viên trong Khóa tập huấn nghiệp vụ Phóng sự điều tra tổ chức tại Thái Nguyên ngày 14-15/5/2020.

Trong bài giảng của anh, làm sao tôi có thể quên gương mặt “quỷ dữ” của bà cụ người Dao ở Cao Bằng đeo khối u nặng gần 9kg trên mặt trong suốt hơn 20 năm; những bản người Mông xa xôi, cuộc sống con người mông muội nghiện thuốc phiện, đói nghèo đến mức phải nhặt xương từ bãi rác làm thức ăn để mưu sinh qua ngày trong hang đá hoang lạnh ở Sapa; những cậu bé người Khơ Mú ngày ăn một con cá bống khô với nắm cơm nguội mải miết kiếm ăn trong những bãi vàng thổ phỉ vùng giáp biên Việt - Lào; những cậu bé lang thang nơi chân cầu Long Biên bị ấu dâm bởi những gã yêu râu xanh người ngoại quốc; những người phụ nữ làm nghề “bán bào thai” sang biên giới Trung Quốc; những cảnh tượng làm rượu độc ở Bắc Ninh; người anh hùng đầu bị găm 2 mảnh đạn sau gần 50 năm mới tìm lại được danh dự và nhân phẩm; viên cai ngục tại nhà tù Côn Đảo một thời được mệnh danh là tàn ác nhất trời Nam; cảnh làm mắm tôm từ hóa chất ở Thanh Hóa; những khu phố phù phép chuột cống bệnh viện thành đặc sản chuột đồng; những cánh rừng già ở Yên Bái bị tàn phá nghiêm trọng; những con tê giác Nam Phi với lớp da dày 8cm bị cắt sừng, moi mắt, máu tươi vẫn đang ròng ròng chảy… Tất cả đều là minh chứng trong các phóng sự điều tra mà anh cùng đồng đội đã truy sát đến tận cùng sự thật để đưa sự thật ra trước ánh sáng của công luận và công lý!

Anh được biết tới nhiều nhất qua những thiên phóng sự chứa đựng nhiều khám phá độc đáo, giàu sức chiến đấu bảo vệ công lý và giàu giá trị nhân văn. Người ta nói về anh và hết lời ca tụng anh với những danh hiệu như ông “vua phóng sự đất Bắc”, cây bút phóng sự nổi tiếng của báo chí Việt Nam hiện đại. Với vốn hiểu biết hạn hẹp về báo chí, với sự trải nghệm rất ít ỏi về cuộc sống của mình, có thể tôi chưa thấu hết được tài năng nhiều mặt của anh nhưng anh thực sự khiến tôi xúc động và cảm động trước trái tim rực rửa với nghề, niềm đam mê mãnh liệt với báo chí điều tra, khát vọng được giải cứu, được minh oan cho những phận người bé nhỏ, yếu thế trong xã hội; mong muốn được chung tay góp phần bảo vệ trái đất, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm đang bị chính con người tàn sát, hủy hoại mỗi ngày. Tôi cảm kích trước bản lĩnh sống và bản lĩnh nghề của anh; trước những việc tử tế và nhân văn anh đã và đang làm; cách tư duy và hành xử của anh với vạn vật và cuộc sống; lối trò chuyện gần gũi, thân tình, dí dỏm mà không kém phần sâu sắc, trí tuệ của anh!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng gần gũi, sẻ chia với  các học viên về những kinh nghiệm tác nghiệp trong nghề báo

 Một nhà báo điều tra với phông kiến thức nền quá phong phú khiến tôi choáng ngợp! Anh nói vừa say sưa vừa hài hước vừa xúc động từ lịch sử, thiên văn, địa lý, môi trường, động thực vật đến tâm lý của từng đối tượng nhân vật khi tác nghiệp… như những chuyên gia trong lĩnh vực ấy. Kỹ năng nghiệp vụ tuyệt vời kết hợp với kỹ năng giao tiếp khéo léo và khả năng quyền biến trong xử lý tình huống đã giúp anh có được nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận trong nước và khu vực. Tôi thực sự ngưỡng mộ và mến phục anh bởi những điều đó! Nhưng, điều lớn lao nhất mà tôi tự thấy mình đã học được trong bài giảng của anh và từ con người anh đó chính là nhân sinh quan và một tâm thế sống nhập cuộc. Sống và làm việc không phải vì danh vọng, không phải vì tiền, vì giải thưởng mà vì lòng tự trọng, vì sự thôi thúc của lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút! Sẽ chẳng có kỹ thuật, sẽ chẳng có công nghệ nào giúp nhà báo có tác phẩm hay nếu như trong anh ta không có niềm đam mê thật sự - Anh đã nói điều đó và tôi thấy thật thấm thía! Chỉ có đam mê sống, đam mê viết, đam mê kiếm tìm và bản lĩnh truy sát đến tận cùng sự thật mới giúp nhà báo có tác phẩm hay và báo chí mới thực sự thực hiện được sứ mệnh cao cả của nó!

Muốn truyền lửa, muốn tiếp lửa thì trong mình phải rực lửa! Ngọn lửa trong anh được thắp lên bằng sự trải nghiệm của chính mình với biết bao vùng đất anh qua, bao phận người anh đã gặp, bao cảnh sắc anh đã nhìn. Những trang viết của anh là trí tuệ, là tâm huyết, là trải nghiệm nếm mật nằm gai, là mồ hôi, là máu của anh và đồng đội. Trong lời giảng của anh, tôi không thấy anh đề cao mình dù anh là con người đầy tự trọng. Anh luôn nhận mình thật bé nhỏ và nói với chúng tôi hãy sống thật bao dung với chính mình, với mọi người, với thế giới muôn loài. Thấu hiểu quy luật của vũ trụ, của trái đất để biết cách ứng xử và sống một cách nhân văn và tử tế! Khi kể về các chiến công và giải thưởng tôi thấy anh luôn nhắc đến những người đã giúp anh có được nguồn tin, có được sự hậu thuẫn. Anh cũng luôn nhắc đến những người đồng đội đã kề vai sát cánh với anh…Anh luôn coi trọng kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần đồng đội và sự đoàn kết trong tác nghiệp để có tác phẩm hay!

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chụp ảnh cùng các giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học trong Khóa Tập huấn nghiệp vụ Phóng sự điều tra  tổ chức tại Thái Nguyên vào ngày 14-15/5/2020.

Tôi đã tìm đọc thêm những tác phẩm của anh và thêm một lần nữa bị ấn tượng bởi tài năng viết lách và tâm hồn của một nhà báo toàn tài. Nhiều học giả trong nước cũng thừa nhận trong anh không chỉ có tố chất của một nhà báo, một nhà văn mà anh còn kiến thức nền sâu rộng của một nhà sử học, nhà xã hội học, nhà tâm lý học, nhà tội phạm học, nhà sinh vật học, nhà địa lý học…Chính tri thức tổng hợp và phong phú mà anh dày công tích lũy đã giúp anh có cơ sở vững chắc để thọc sâu  vào “trong tận cùng hang ổ” truy sát đến cùng bản chất sự thật; giúp anh không chỉ có những bài báo gây chấn động dư luận mà cao hơn, anh còn dùng chính sức mạnh của báo chí, sức mạnh của tình người để làm thay đổi số phận nhân vật. Những tư liệu chân thực trong các bài báo của anh là bằng chứng đanh thép khiến một vài điều trong Bộ luật hình sự của Việt Nam phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay!

 Mới đây, anh cho ra mắt ba tác phẩm đại diện cho ba lối tư duy, cảm xúc, lao động sáng tạo của mình đó là: “Trong tận cùng hang ổ”, “Búi Thông thơ dại”, “Ở lại với ngàn sao”.  Tôi cũng vốn là người gốc Hà Tây cũ nên càng vô cùng xúc động khi đọc những trang sách này của anh! Ba cuốn sách đã mở ra “hành trình bạn dặm” của anh từ một cậu bé từ xóm Búi Thông trên núi Ba Vì, từ làng cổ Đường Lâm, Ba Vì, Hà Tây cũ bước ra với thế giới.

"Búi Thông thơ dại" được đánh giá là một cuốn truyện dài, mang tinh thần tự truyện. Một câu chuyện thấm đẫm những kỷ niệm tha thiết và thẳm sâu, sống động và cuốn hút, giản dị và chân thực về tuổi thơ của anh, trên cái xóm núi nghèo mang tên Búi Thông, với mẹ, bà ngoại, hai em. Câu chuyện giàu chất văn chương, nhiều đoạn nhiều câu đạt tới sự tròn trĩnh đầy mỹ cảm. Và trên hết là tình cảm của anh dành cho những người thân trong gia đình, đặc biệt là bà ngoại và mẹ.

"Trong tận cùng hang ổ” là cuốn sách đại diện cho một mảng tư duy, lao động nghề nghiệp mà anh tâm huyết nhất trong suốt cuộc đời làm báo của mình. Cuốn sách này tập hợp những bài, những vệt bài điều tra in dài kỳ trên các báo đã từng gây chấn động dư luận.

 

Hình ảnh một số tác phẩm của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

 "Ở lại với ngàn sao" lại là một cuốn du ký, ghi lại những cảm xúc mạnh mẽ và đầy xúc cảm của anh khi đặt chân tới những vùng đất khác nhau trên khắp thế giới. Anh là người ham đi, mê đi, mải miết đi. Dường như những chuyến đi luôn mang lại nguồn năng lượng và cảm hứng sáng tác bất tận cho anh. Với ba cuốn sách này, Đỗ Doãn Hoàng nâng con số những đầu sách mà anh đã in lên 27 cuốn, bao gồm phóng sự, ghi chép, bút ký, truyện ngắn, truyện dài, tạp văn…

Là một giảng viên ngành báo, tôi càng thêm phần ngưỡng mộ anh không chỉ bởi anh là một nhà báo tài năng và chuyên nghiệp mà còn bởi anh là một con người luôn khát khao tìm kiếm sự thật, đưa sự thật về đúng với giá trị của nó. Tôi xúc động không chỉ bởi nhiệt huyết và sự sẻ chia cởi mở về tri thức của anh với chúng tôi mà còn bởi tấm lòng nhân ái và bao dung của anh khi nhìn nhận mọi sự việc ở tầng cao trong quy luật vận hành chung của vũ trụ và muôn loài. Những trang viết sắc sảo của anh đạt tới tầm cao trí tuệ, sắc lạnh đi tới tận cùng sự thật nhưng giữa đời thường anh vẫn rất mực hồn hậu, nghĩa tình, dí dỏm khiến ai đã từng gặp anh sẽ chẳng thể nào quên!

Nhà báo Đõ Đoãn Hoàng trong Lễ bế giảng Khóa Tập huấn nghiệp vụ Phóng sự điều tra tổ chức tại Tháo Nguyên vào ngày 14-15/5/2020.

Cảm ơn anh - nhà báo Đỗ Đoãn Hoàng – người đã cho tôi những trải nghiệm thú vị về nghề, về đời! Người đã khai mở rất nhiều điều trong nhân sinh quan và thế giới quan của tôi! Sẽ nhớ mãi một nhận định về anh: “Anh là người luôn giữ được lửa trong mỗi cuộc hành trình dù hành trình ấy là lên đỉnh “nóc nhà Đông Dương”, đỉnh Mã Pí Lèng, đỉnh Lũng Cú hay những nơi thâm sơn cùng cốc với những bản người dân tộc thiểu số quanh năm mây phủ…”. Những cuộc “độc hành” với vai trò của một người đi tiên phong… vẫn luôn đem lại nhiều điều bất ngờ thú vị để anh kiến tạo nên những trang viết có sức mạnh diệu kỳ, làm lay động lòng người, đánh thức lòng trắc ẩn, lập lại sự công bằng cho con người trên khắp các châu lục!

Trà My - Giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông và Văn học

 


Bài viết khác