Chương trình đào tạo Thạc sĩ Văn học Việt Nam


 Chuyên ngành đào tạo:

 VĂN HỌC VIỆT NAM (Vietnamese Literature)

 Mã chuyên ngành:

 60 22 01 21

 Ngành:

 Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam

 (Vietnamese Language and Culture)

 Bậc đào tạo:

 Thạc sĩ

 Thời gian đào tạo:

 2 năm

 Tên văn bằng:

 Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam

 (Master of Arts in Vietnamese Language and Culture)

 Đơn vị đào tạo:

 Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên

 Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm

 45

 

Chương trình đào tạo được xây dựng theo Thông tư số 38/2010/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ và Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quy định Đào tạo trình độ thạc sĩ của Đại học Thái Nguyên ban hành kèm theo Quyết định số 926/QĐ-ĐHTN-SĐH ngày 29/8/2011 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên.

Bên cạnh việc kế thừa các tinh hoa từ chương trình đào tạo thạc sĩ Văn học Việt Nam trong nước, chương trình đào tạo thạc sĩ Văn học Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học thường xuyên được cập nhật theo hướng hội nhập quốc tế và chú trọng đến nét đặc thù vùng miền, phù hợp với nhu cầu xã hội của khu vực miền núi và trung du, đồng bằng Bắc Bộ.

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Chương trình Thạc sĩ Ngôn ngữ, Văn hóa và Văn học Việt Nam cung cấp kiến thức sâu rộng về truyền thống văn học dân gian, trung đại, hiện đại và đương đại của Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng; phát triển các kỹ năng tiên tiến trong nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học Việt Nam dựa trên các lý thuyết nghiên cứu văn học hiện đại của thế giới. Qua đó, chương trình nâng cao năng lực cho các giáo viên, nhà quản lý văn hóa và những người làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật, xuất bản và báo chí, truyền thông.

*Về kiến thức:

Cung cấp kiến thức văn học Việt Nam ở bậc cao, chưa được dạy ở chương trình Cử nhân, đồng thời, cung cấp các phương pháp nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại như thi pháp học, văn học so sánh và nghiên cứu văn hóa. Văn học Việt Nam nói chung và văn học địa phương nói riêng được tìm hiểu từ góc độ liên ngành với những lĩnh vực khác như văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tư tưởng, triết học và du lịch.

*Về kĩ năng:

Học viên được rèn luyện tư duy phản biện, kĩ năng nghiên cứu khoa học và năng lực ứng dụng các phương pháp nghiên cứu văn học vào giảng dạy văn học Việt Nam ở trường phổ thông cũng như ứng dụng kiến thức về văn hóa, văn học Việt Nam trong truyền thông, xuất bản, quản lý văn hóa và phát triển du lịch. Ngoài ra, học viên được phát triển khả năng tự định hướng phát triển năng lực cá nhân, thích nghi với môi trường làm việc có tính cạnh tranh cao và năng lực dẫn dắt chuyên môn; đưa ra được những kết luận mang tính chuyên gia về các vấn đề phức tạp của chuyên môn, nghiệp vụ. Học viên cũng được trang bị năng lực ngoại ngữ tiếng Anh cấp độ B1 tiêu chuẩn châu Âu.

*Về phẩm chất chính trị, đạo đức:

Giúp học viên rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức: trung thành với tổ quốc, với nhân dân; có lòng yêu ngành, yêu nghề, không ngừng phấn đấu vươn lên trong khoa học vì sự tiến bộ của bản thân và của tập thể; trung thực trong chuyên môn và trong cuộc sống. 

TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP

Các học viên cao học tốt nghiệp thạc sĩ về Văn học Việt Nam theo khung chương trình này có thể làm đảm nhiệm các vị trí sau:

- Công tác nghiên cứu khoa học ở các viện, trung tâm nghiên cứu văn học;

- Giảng dạy văn học Việt Nam nói riêng và văn học nói chung ở các trường phổ thông, cao đẳng, đại học, các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa.

- Công tác truyền thông tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp.

- Công tác biên tập, truyền thông tại các nhà xuất bản và các cơ quan báo chí.

- Quản lý văn hóa, phát triển du lịch tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

- Có cơ sở chuyên môn để thực hiện tiếp chương trình tiến sĩ ngành văn học.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Kiến thức chung

1

Triết học

2

Tiếng Anh

Kiến thức cơ sở

1

Phương pháp luận NCKH

2

Tiếp nhận văn học

3

Nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa

4

Vấn đề hiện đại hóa văn học Việt Nam

5

Ứng dụng văn học so sánh trong nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam

6

Giải mã ngôn ngữ trong văn chương

7

Nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam theo hướng liên ngành

8

Những đặc trưng hệ hình văn học trung đại

Kiến thức chuyên ngành

1

Ứng dụng đặc trưng thể loại trong nghiên cứu và giảng dạy các thể thơ dân tộc thời trung đại

2

Văn xuôi Việt Nam hiện đại- một số phong cách nghệ thuật tiêu biểu

3

Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

4

Kỹ năng đọc hiểu văn bản tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông

5

Phong trào Thơ Mới và việc đổi mới thi pháp thơ trữ tình Việt Nam

6

Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam

7

Khai thác giá trị văn hóa, văn học địa phương trong du lịch

 8

 Văn học địa phương trong chương trình phổ thông

Luận văn thạc sĩ

 

 

 

NỘI DUNG MỘT SỐ HỌC PHẦN BẮT BUỘC

Triết học

Học phần kế thừa những kiến thức đã học trong chương trình đào tạo triết học ở bậc đại học, phát triển và nâng cao những nội dung cơ bản gắn liền với những thành tựu của khoa học - công nghệ, những vấn đề mới của thời đại và đất nước. Học viên được học các chuyên đề chuyên sâu giúp hình thành nhân sinh quan, thế giới quan duy vật biện chứng và  cung cấp những kiến thức cơ bản, có hệ thống về lịch sử hình thành, phát triển của triết học nói chung và các trường phái triết học nói riêng. Trên cơ sở đó, học viên có khả năng vận dụng kiến thức triết học để giải quyết những vấn để lí luận và thực tiễn trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp.

Ngoại ngữ

Học phần cung cấp cho học viên kiến thức ngoại ngữ chuyên sâu về lĩnh vực chuyên môn, giúp cho học viên có thể đọc, dịch tài liệu phục vụ cho việc học tập các học phần chuyên ngành, nghiên cứu khoa học và hoàn thành luận văn thạc sĩ.

Phương pháp luận nghiên cứu văn học

Học phần trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về phương pháp luận nghiên cứu văn học: lịch sử hình thành, các trường phái, các khái niệm chính; đồng thời giúp học viên đi sâu vào hệ thống các phương pháp, các thao tác, các kỹ năng cần thiết để thực hiện văn bản nghiên cứu văn học

Tiếp nhận văn học

Tiếp nhận văn học là hoạt động “tiêu dùng”, thưởng thức, phê bình văn học của độc giả thuộc nhiều loại hình, nhiều trình độ khác nhau. Có sáng tác văn học thì dĩ nhiên có sự tiếp nhận văn học và chính sự tiếp nhận đã tác động ngược trở lại hoạt động sáng tác. Vì thế, nghiên cứu các vấn đề về tiếp nhận văn học có ý nghĩa lí luận và thực tiễn cao. Học phần cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng về tiếp nhận văn học như: người đọc và sự tiếp nhận văn học; thưởng thức văn học, phê bình văn học…Ngoài ra, học phần cũng giúp người học ý thức được vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của người đọc đối với văn học.

Vấn đề hiện đại hóa văn học Việt Nam

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về đặc điểm cơ bản của văn học thời kỳ hiện đại, sự vận động và đặc điểm tiến trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam.

Nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa 

Nội dung học phần đi sâu tìm hiểu lý thuyết tiếp cận văn hóa học và ứng dụng lý thuyết vào nghiên cứu văn học. Học phần sẽ trình bày hệ thống các vấn đề của một tác phẩm văn học nhìn từ góc độ văn hóa. Người học sẽ được thực hành ứng dụng các tri thức văn hóa vào giải mã các tác phẩm văn học trên các cấp độ khác nhau.

Ứng dụng văn học so sánh trong nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam

Học phần giúp học viên hiểu và vận dụng văn học so sánh như một phương pháp luận nghiên cứu với những phương pháp nghiên cứu đặc thù, có tính liên ngành. Người học sẽ nắm được mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của văn học so sánh, các nguyên tắc ứng dụng văn học so sánh vào nghiên cứu các đề tài, chủ đề cụ thể, từ đó, ứng dụng vào việc nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam.

Giải mã ngôn ngữ trong văn chương

Học phần giới thiệu một số vấn đề lý luận chung về đặc điểm, chức năng, vai trò của ngôn ngữ trong tác phẩm, từ đó ứng dụng để giải mã các nhân tố và đặc trưng của giao tiếp văn chương trong đối sánh với giao tiếp đời thường; giải mã các cấp độ của tín hiệu thẩm mĩ trong văn chương… Qua đó, học viên nắm được mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn chương, sự chi phối của ngôn ngữ đến quá trình sáng tạo, cảm thụ và phân tích nghệ thuật văn chương.

Nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam theo hướng liên ngành

Học phần cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản của khoa folklore học, từ đó đưa ra các hướng tiếp cận khác nhau đối với văn học dân gian. Phần thứ nhất đề cập đến một số vấn đề của khoa folklore học như: khái niệm folklore, đối tượng của khoa folklore học, mối quan hệ giữa văn học dân gian và các thành phần khác trong tổng thể folklore, giữa foklore học và nhân học văn hóa. Phần thứ hai giới thiệu hai hướng tiếp cận cơ bản đối với một hiện tượng, một tác phẩm văn học dân gian.

Loại hình học tác giả văn học nhà Nho

Học phần cung cấp những kiến thức chuyên sâu về lịch sử văn học trung đại Việt Nam, tiếp cận phương pháp nghiên cứu văn học theo loại hình. Học phần đề cập đến ba mẫu nhà nho đã hình thành trong thực tiễn lịch sử trung cận đại Việt Nam, đặc biệt tập trung soi rọi loại hình thứ ba, loại hình có vai trò lớn đối với văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc (tiếng Việt, chữ Nôm) từ thế kỷ XVIII.

Ứng dụng đặc trưng thể loại trong nghiên cứu và giảng dạy các thể thơ dân tộc thời trung đại

Học phần cung cấp cho học viên những kiến thức về đặc trưng, nguồn gốc, diễn trình hình thành, phát triển và hoàn thiện ba thể thơ dân tộc trong văn học trung đại Việt Nam: lục bát, song thất lục bát và hát nói. Ba thể thơ trên sẽ được xem xét trong thể loại cụ thể: Lục bát trong Truyện thơ, STLB trong Ngâm và thể hát nói trong bài hát nói, thông qua việc tìm hiểu một số tác phẩm trong chương trình phổ thông. Từ đó giúp học viên ứng dụng những đặc trưng thể loại đó vào nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại, đặc biệt là các tác phẩm được giảng dạy ở trường phổ thông.

Văn xuôi Việt Nam hiện đại - một số phong cách nghệ thuật tiêu biểu

Học phần giới thiệu cho học viên một số phong cách nghệ thuật tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại theo tiến trình văn học sử. Học viên sẽ tiếp cận nhà văn và tác phẩm của họ qua sự tìm hiểu phong cách: giọng điệu riêng, cách lựa chọn đề tài, xây dựng chủ đề, cách lý giải vấn đề, cách xây dựng nhân vật, cách sử dụng ngôn ngữ, kết cấu tác phẩm...Qua phong cách nghệ thuật của nhà văn, học viên sẽ có cái nhìn khoa học về thời đại và tầm nhìn dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử.

Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại 

Tư duy nghệ thuật là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng trong sáng tạo, nghiên cứu và phê bình văn học. Mỗi một đối tượng nghệ thuật, để được chiếm lĩnh và sáng tạo ra, trước hết đều nhờ vào tư duy nghệ thuật của nhà văn. Với vai trò như một yếu tố “căn cốt” góp phần tạo nên thành tựu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, việc nghiên cứu về tư duy nghệ thuật thực sự trở thành một hướng nghiên cứu quan trọng. Nội dung học phần cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản về tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (từ quan niệm nghệ thuật đến việc xây dựng các hình tượng nghệ thuật và lựa chọn các phương thức tự sự).

Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam

Văn học các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của văn học Việt Nam. Nó vừa  chịu ảnh hưởng của văn học dân tộc Việt, vừa có một diện mạo riêng, góp phần tạo nên một chỉnh thể văn học Việt Nam vừa đa dạng, phong phú, vừa giàu bản sắc. Học phần này cung cấp cho sinh viên cái nhìn khái quát về lịch sử văn học dân tộc thiểu số Việt Nam (khu vực miền núi phía Bắc), trong suốt quá trình hình thành, phát triển từ văn học dân gian đến văn học viết.

Truyện thơ Nôm Việt Nam thời trung đại

Học phần cung cấp kiến thức về nguồn gốc và lịch sử phát triển thể loại truyện Nôm, thi pháp truyện Nôm, chức năng tư tưởng – thẩm mĩ của truyện Nôm, Truyện Nôm trong tương quan so sánh loại hình với thể loại truyện thơ các dân tộc bản địa và khu vực.

Kỹ năng đọc hiểu văn bản tác phẩm  văn học trong chương trình phổ thông

Học phần cung cấp cho học viên những kiến thức lý thuyết về đọc hiểu, đọc hiểu văn bản, về văn bản tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình phổ thông. Từ đó, học phần sẽ cung cấp các xu hướng và kỹ năng đọc hiểu cơ bản giúp học viên vận dụng vào việc đọc hiểu văn bản tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông một cách hiệu quả theo yêu cầu đổi mới dạy học văn hiện nay.

Luận văn thạc sĩ

Luận văn thạc sĩ là một đề tài khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn do đơn vị đào tạo giao hoặc do học viên tự đề xuất, được người hướng dẫn đồng ý và hội đồng khoa học đào tạo chuyên ngành chấp thuận. Học viên được phép bảo vệ luận văn thạc sĩ sau khi hoàn thành các học phần thuộc khối kiến thức chung, khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành.

 

DANH MỤC NGÀNH, CHUYÊN NGÀNH ĐÚNG/PHÙ HỢP, NGÀNH GẦN, NGÀNH KHÁC VỚI NGÀNH, CHUYÊN NGÀNH ĐĂNG KÝ DỰ THI TUYỂN SINH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ THẠC SĨ VÀ CÁC HỌC PHẦN BỔ SUNG KIẾN THỨC

Ngành/

CN đào tạo thạc sĩ

Ngành tốt nghiệp đại học

Ngành đúng/phù hợp

Ngành gần

Ngành khác

Tên ngành

HP bổ sung bậc ĐH

Tên ngành

HP bổ sung bậc ĐH

 

 

Văn học Việt Nam,

mã số

8220121

(thuộc lĩnh vực

 Nhân văn)

1.Văn học

2.SP Ngữ văn

3. Lí luận và phương pháp dạy văn

4. Sáng tác văn học

5. Ngôn ngữ học

 

Không

1. Ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam gồm những nội dung chủ yếu sau: Tiếng Việt và văn hoá Việt Nam; Viết văn; Hán - Nôm; Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam; Việt Nam học…

2. Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài gồm những nội dung chủ yếu sau: Tiếng Anh; Tiếng Nga; Tiếng Pháp; Tiếng Trung Quốc; Tiếng Đức; Tiếng Tây Ban Nha; Tiếng Bồ Đào Nha; Tiếng Italia; Tiếng Nhật; Tiếng Hàn Quốc; Quốc tế học; Đông Phương học; Đông Nam Á học; Trung Quốc học; Nhật Bản học; Hàn Quốc học; Ôtxtrâylia học, Châu Á học…

3. Nhân văn khác gồm những nội dung chủ yếu sau: Triết học; Lịch sử; Văn hoá học; Lí luận và phê bình sân khấu, Biên kịch sân khấu, Lí luận và phê bình điện ảnh – truyền hình, Biên kịch điện ảnh – truyền hình, Báo chí, Truyền thông,  Báo chí và truyền thông, Quan hệ công chúng và Truyền thông, SP Văn – Địa,  SP Văn–Sử.

1. Văn học dân gian (2 TC)

2. Văn học Việt Nam trung đại (2 TC)

3. Văn học Việt Nam hiện đại (2 TC)

4. Nguyên lý lý luận văn học (2 TC)

 

Dân tộc học; Xã hội học;  Lao động xã hội, Công tác lao động; Công tác phụ nữ

 

1. Văn học dân gian (2 TC)

2. Văn học Việt Nam trung đại (2 TC)

3. Văn học Việt Nam từ 1900 đến 1945 (2 TC)

4. Văn học Việt Nam  từ 1945 đến 1975 (2 TC)

5. Nguyên lý lý luận văn học (2 TC)

 

 


Tìm hiểu thêm tại website Khoa Báo chí-Truyền thông & Văn học: http://fjc.tnus.edu.vn/


Bài viết khác