“Duyên” với Báo chí TNUS!


     Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở vùng biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn. Khi là cô học trò còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi ước mơ mai này có thể trở thành cô giáo giỏi để gieo con chữ cho trẻ em nghèo trên mảnh đất quê hương. Trong suốt 12 năm học, đã nhiều lần tôi cảm thấy tự ti vì không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, và đi học thêm,…như bao bạn bè cùng trang lứa. Sau những giờ học chính khóa trên lớp, tôi tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Có lẽ cũng bởi sự khó khăn đó, mà tôi luôn tự nhắc mình phải thật cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa để có một cuộc sống tốt đẹp hơn...

     Năm 2020, niềm hạnh phúc như vỡ òa khi tôi nhận được giấy bảo trúng tuyển theo phương thức tuyển thẳng vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi đó, cảm xúc trong tôi là sự vui mừng, hạnh phúc, mãn nguyện, nghĩ rằng mọi sự cố gắng trong 12 năm học tập và rèn luyện được đền đáp xứng đáng. Nhưng có lẽ đó cũng là lúc tôi phải suy nghĩ nhiều hơn về gia đình và định hướng cho tương lai. Tôi sợ việc đi học sẽ trở thành gánh nặng về kinh tế cho gia đình, bởi bố mẹ tôi cũng đã già.

     Sau nhiều ngày phân vân, phần vì muốn phụ giúp gia đình, phần vì muốn có một khoản tiết kiệm, tôi đã mạnh dạn nộp hồ sơ xin việc tại khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Giang. Trong suốt những ngày tháng làm việc, tôi luôn nghĩ đến việc bản thân cần cố gắng và trở lại giảng đường đại học để theo đuổi đam mê. Và cũng nghĩ thầm: “Mình không thể làm công nhân suốt đời được!”... Tôi nhẩm tính, nếu chăm chỉ làm việc, tích góp trong một năm thì mình sẽ có một khoản tiền để có thể trở lại giảng đường đại học.

     Nhưng rồi, mọi sự tính toán của tôi chẳng thể thành hiện thực. Tháng 5/2021, Covid đã khiến khu vực Núi Hiểu- Quang Châu nơi tôi trọ và đang làm việc trở thành khu vực bị phong tỏa. Và thật không may, khi đó, tôi cũng trở thành F0. Khi nhận tin từ trung tâm y tế Việt Yên- Bắc Giang, tai tôi ù đặc, tôi không tin vào những gì đang diễn ra. Những cuộc điện thoại từ y tế đến dồn dập để xác minh thông tin khiến tôi càng lo lắng áp lực, nhưng rồi phải tự động viên bản thân cố gắng vượt qua khó khăn này tại nơi đất khách quê người.

      Trong những ngày cách ly và điều trị tại bệnh viện dã chiến, tôi được chứng kiến các anh chị phóng viên vào tâm dịch ghi hình, phỏng vấn,…để phục vụ công tác tuyên truyền. Thấy được những khó khăn, sự hi sinh của anh chị trong quá trình làm nghề, tôi thầm yêu và trân trọng trọng những thước phim, những bài báo mà tôi đã và từng được theo dõi. Rồi từ sự ngưỡng mộ, trân quý ấy, tôi thầm cảm mến nghề làm báo biết bao.

      Khi sức khỏe dần ổn định, tôi lên mạng tìm hiểu về ngành báo và như một cơ duyên, tôi biết tới Khoa Báo chí- Truyền thông trường Đại học Khoa học. Tôi tìm đọc thông tin từ fanpage của khoa, truy cập vào web http://fjc.tnus.edu.vn. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi tin rằng đây sẽ là môi trường để tôi cháy hết mình với đam mê một lần nữa…

      Kết thúc quá trình điều trị và cách ly tại Bắc Giang, tôi về nhà trong niềm hy vọng sớm có thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhập học. Nhưng rồi, tôi không may bị tái dương tính trở lại nên tiếp tục cách ly điều trị tại trung tâm y tế huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Lúc đó tôi càng khao khát được tự do, được đi học, được chia sẻ tất cả những gì đã diễn ra và tôi đã trải qua. Trong thời gian cách ly, tôi đã nhờ anh chị hoàn thiện hồ sơ xét tuyển và gửi xuống trường, bởi tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội đặt chân vào giảng đường đại học một lần nào nữa.

      Trở về nhà, nhận được giấy báo trúng tuyển, tôi vui sướng, hạnh phúc và có cả những giọt nước mắt. Từ nay, tôi đã là sinh viên Báo chí- Truyền thông. Sau tất cả những gì mà một cô gái chưa đầy 20 tuổi đã trải qua, tôi thầm biết ơn vì mình đã khỏe lại. Và giờ đây, nếu nhận được câu hỏi “Bạn học ngành gì?” tôi có thể tự hào giới thiệu “Tôi là Tân sinh viên Báo chí TNUS”!

Chia sẻ của bạn L.K.P (Tân sinh viên Báo chí K19)

 

 


Bài viết khác