Trường Đại học Khoa học: chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành


Trường Đại học Khoa học được đầu tư trang thiết bị hiện đại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình dạy và học của giảng viên, sinh viên. Nhà trường đang quản lý 02 giảng đường 3A và 3B. Số lượng phòng thực hành, thí nghiệm trên đã đáp ứng đủ theo yêu cầu thiết kế chương trình đào tạo đề ra. Phòng thực hành Tin học, thực hành Báo chí, phòng thực hành nghiệp vụ Du lịch và Luật, phòng học Ngoại ngữ được trang bị máy tính mới hiện đại và đồng bộ được kết nối mạng intenet tốc độ cao. Đặc biệt phòng thực hành Báo chí được trang bị thiết bị chuyên dụng như camera kỹ thuật số, máy tính cấu hình cao để phục vụ nghiệp vụ ngành Báo chí. Với số lượng và chất lượng các thiết bị này đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu thiết kế chương trình đào tạo của các ngành đào tạo của nhà trường.

 PGS.TS Trịnh Thanh Hải- Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học- Đại học Thái Nguyên cho biết: “Trường Đại học Khoa học thường niên cập nhật chương trình đào tạo.Quy trình bao gồm rà soát các mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, cấu trúc học phần trong chương trình học, đề cương bài giảng và điều kiện giảng dạy.Dựa trên ý kiến của người sử dụng lao động, cựu sinh viên và xu thế chung ở trong nước và trên toàn thế giới”.

         Quy trình gồm khảo sát, xác định nhu cầu nhân lực theo trình độ và ngành/ chuyên ngành đào tạo; xây dựng mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể  và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; xác định cấu trúc  khối lượng kiến thức cần thiết; thiết kế đề cương chi tiết các học phần; đánh giá và cập nhật thường xuyên nội dung chương trình môn học và phương pháp giảng dạy dựa trên các tiến bộ mới của lĩnh vực chuyên ngành và yêu cầu của việc sử dụng  lao động.

Thông qua đó xác định mục tiêu đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra theo Thông tư 07/TT-BGDĐT chuẩn đầu ra yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện. Khối lượng kiến thức tối thiểu đối với trình độ đại học là 120 tín chỉ (đối với những ngành có thời gian đào tạo 5 năm hoặc 6 năm thì khối lượng kiến thức tích lũy tối thiểu tương ứng là 150 hoặc 180 tín chỉ).

Để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng yêu cầu của xã hội đang phát triển nhanh và mạnh, hệ thống giáo dục đổi mới cách tiếp cận: chuyển từ tiếp cận mục tiêu sang tiếp cận năng lực, đề cao khả năng thực hiện công việc của người học. Song song với việc đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, … thì đánh giá có sự thay đổi toàn diện từ mục đích đánh giá đến phương pháp đánh giá, công cụ đánh giá.

   Tăng cường giáo dục kỹ năng

      Ngoài các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyễn tắc an toàn nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, kiến thức quốc phòng- an ninh theo quy định hiện hành và đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định hiện hành về chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, người học sau khi tốt nghiệp mỗi trình độ của giáo dục đại học phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu.

Có kiến thức chuyên  sâu trong lĩnh vực đào tạo, nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để giải quyết các công việc phức tạp, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo.

          Có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau để giải quyết những vấn đề  thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo, có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề địa phương và vùng miền.

      Có năng lực dẫn dắt về chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo, có sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, có khả năng tự định hướng, thích nghi với các môi trường làm viêc khác nhau, tự học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Một ngôi trường trẻ với tuổi đời 20, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, quy hoạch, khang trang, cơ hội việc làm rộng mở, đa dạng các ngành học như: Hàn quốc học, Trung quốc học, Báo chí- Truyền thông, Kỹ thuật xét nghiệm Y- Sinh… Học tập ở đây, người học sẽ có kỹ năng ngoại ngữ ở mức có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề  quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo, có thê sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống chuyên môn thông thường, có thể viết được báo cáo có nội dung đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn.

TS. Phạm Chiến Thắng – Trưởng Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên cho biết: “Chương trình đào tạo của khoa Báo chí- Truyền thông hầu hết các môn học đều gia tăng thời lượng thực hành trong các giờ dạy. Những phần nội dung về kiến thức lý luận và thực hành được chia đều trong từng tiết học. Bên cạnh việc học nội dung thực hành trên lớp thì tất cả sinh viên Báo chí hiện nay đều được tạo điều kiện tham gia các hoạt động nghề nghiệp thực tiễn trong quá trình truyền thông ngay từ năm đầu tiên”. TS Phạm Chiến Thắng chia sẻ thêm với sv cử nhân báo chí  K19 hiện nay đã tham gia và phối hợp tích cực với các cơ quan báo đài địa phương và có những sản phẩm Báo chí của riêng mình. Ngoài việc học trên lớp thì ngoài giờ học khoa Báo chí còn thường xuyên tổ chức khóa huấn luyện, đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ Báo chí như: kỹ năng sử dụng công cụ thiết kế, kỹ năng chụp ảnh, quay phim , kỹ năng viết tin bài…Các nội dung đào tạo đều giúp sinh viên tăng cường khả năng thực hành, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp cho sinh viên…

Xu hướng của Đại học Khoa học là tăng tỉ lệ học phần gắn với định hướng nghề nghiệp, tăng học phần( học trên thực tế), phối hợp giữa giảng viên nhà trường với các chuyên gia xã hội, chú trọng việc sinh viên tự học, đánh giá theo suốt quá trình học tập của sinh viên. Chuẩn đầu ra của trường Đại học Khoa học được quy định dựa theo khung kiến thức chuẩn quốc gia. Căn cứ vào sứ mệnh, nhiệm vụ của Trường Đại học Khoa học và nhu cầu thực tiễn của chương trình đào tạo.

Hồng Anh BCK17

 


Bài viết khác