Kỹ năng nhỏ, lợi ích “to” với sinh viên báo chí


Kỹ năng soạn thảo và sửa lỗi văn bản báo chí là học phần giúp sinh viên chuyên ngành Báo chí nhận diện được lỗi, có cách sửa lỗi thường mắc phải trên các bài báo và có cách soạn thảo, biên tập phù hợp với từng thể loại tin bài.

Sinh viên học Báo chí, ngoài việc được trang bị các kỹ năng như: kỹ năng dẫn chương trình phát thanh – truyền hình, kỹ năng viết cho báo điện tử, kỹ năng sản xuất tác phẩm truyền hình,… thì các sinh viên còn được học môn kỹ năng soạn thảo và sửa lỗi văn bản báo chí.

Khi sinh viên đi đến bất cứ nơi đâu, nghĩ ra đề tài viết tin bài hay đến mấy mà sinh viên có vốn từ hạn hẹp, bị nói ngọng, không biết cách soạn thảo tin bài phù hợp,… sẽ không tạo được ấn tượng mạnh đối với cơ quan báo chí, các cơ quan báo chí còn phải mất thời gian biên tập lại tin bài cho hay hơn, như vậy hiệu quả công việc sẽ không cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của một kỹ năng nhỏ, bước vào học kỳ 1, năm học 2020-2021, sinh viên lớp Báo chí K15 đã đăng ký học phần tự chọn “kỹ năng soạn thảo và sửa lỗi văn bản báo chí” để được các thầy cô trang bị cho bản thân từ kỹ năng mà đối với mọi người là nhỏ, ít người chú ý trở đi.

 

Sinh viên Báo chí K15 thuyết trình về tin tức sưu tầm được

Sinh viên lớp Báo chí K15, Hoàng Ngọc Diệp nói rằng: Mình học báo, ra trường đi làm báo, ngoài những kỹ năng tiên quyết phải có được thì mình phải có thêm kỹ năng phụ trợ. Sẽ có rất nhiều người chỉ chăm chăm vào học những học phần có tính chuyên môn cao, cái gì cũng muốn biết một chút. Nhưng ngay đến kỹ năng soạn thảo và sửa lỗi trên văn bản báo chí cũng không biết, thì thật sự là một thiếu hụt lớn.

Trước khi xây được ngôi nhà, trước tiên cần một nền móng vững chắc, thì học phần “kỹ năng soạn thảo và sửa lỗi văn bản báo chí” ở đây, đóng vai trò là một phần của nền móng.

Theo giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông và Văn học, Nguyễn Thị Trà My- cô giáo lớp học phần “kỹ năng soạn thảo và sửa lỗi văn bản báo chí” chia sẻ: Môn học này sẽ giúp cho sinh viên nhận diện được những lỗi cơ bản, những lỗi mà sinh viên nghĩ rằng không quan trọng. Nếu sinh viên nắm bắt được lỗi thì sẽ có bài viết tốt hơn, tạo được thiện cảm khi gửi đến các tòa soạn. Mục đích khi giảng dạy môn học này là giúp sinh viên nhận diện, có cách sửa những lỗi cơ bản nhất; có kỹ năng soạn thảo các thể loại báo chí. Khi sinh viên học, đầu tiên phải là người nhận ra lỗi, sửa được lỗi, từ đó mới có thể soạn thảo được, nếu bắt tay vào quá trình soạn thảo luôn, khi chưa nhận diện được lỗi thì các sinh viên sẽ tiếp tục mắc lỗi.

Giảng viên Nguyễn Thị Trà My

Bước vào học phần này, các sinh viên Báo chí bước đầu sẽ đi vào bốn dạng lỗi cơ bản trên Báo chí là: lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi về câu, lỗi về văn bản. Riêng lỗi về văn bản sẽ được kết hợp giảng dạy khi học phần soạn thảo, để làm sao cho đảm bảo được cấu trúc của tin bài, tính logic của bài viết. Sinh viên sẽ phải nắm được cách soạn thảo cũng như cách biên tập với những thể loại báo chí cơ bản.

Khi học môn học này, sinh viên cần bám sát theo yêu cầu của giảng viên, chuẩn bị bài khi về nhà, để trên lớp có nhiều thời gian thực hành, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn.

Khi nắm vững được kiến thức học phần này, kết hợp với các kỹ năng chuyên môn ngành nghề mà sinh viên ngành báo chí đã được trang bị, sinh viên có thể tạo ra những sản phẩm báo chí có chất lượng tốt, câu từ hay, lôi cuốn công chúng. Điều đó cũng làm cho những người gác cổng ở các tòa soạn, có ấn tượng tốt đối với bài viết, bài viết ít bị chỉnh sửa và nhanh chóng được đăng tải trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Thu Giang – Báo chí K15

 


Bài viết khác