Đó là một chương trình phát thanh có sức hấp dẫn đặc biệt ngay từ khi ra đời, từ số đầu phát sóng đến nay đã khoảng gần 60 năm. Với những câu chuyện chân thật, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn, ly kỳ về đề tài an ninh, xã hội, chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam là món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi tối thứ Bảy hàng tuần của hàng triệu thính giả.
Miền ký ức và cảm xúc tối thứ Bảy hàng tuần
Chúng tôi còn nhớ như in hồi đó chỉ đợi mong đến thứ Bảy để tập trung cùng nhau dưới chân loa phóng thanh ở đầu ngõ. Tất cả mọi người, từ trẻ con, học sinh, thanh niên đến người già, tất thảy đều háo hức. Dường như cảm xúc của các thế hệ là như nhau, chung một niềm hân hoan chờ đón. Bất chợt nghe lời xướng của chương trình bắt đầu, tất cả mọi người trật tự lắng nghe:“Tiết mục kể chuyện cảnh giác”, “Thưa các đồng chí và các bạn, chuyên mục câu chuyện cảnh giác tuần này, xin được gửi tới các đồng chí và các bạn câu chuyện truyền thanh:…” - Cái âm thanh đã khắc vào tâm khảm đó, sau này chúng tôi mới biết trong thuật ngữ chuyên ngành gọi là nhạc hiệu. Lời nhạc đó, giọng đọc đó đã tác động trực tiếp đến tai tất cả chúng tôi và đến hàng triệu con người, cùng một lúc và ngay tức khắc, vượt qua mọi rào cản của biên giới quốc gia, lãnh thổ.
Mãi sau này lớn lên theo học báo chí chuyên nghiệp, chúng tôi mới biết nhà báo Lê Thanh Tăng (Trưởng Ban biên tập Phát thanh Công an nhân dân) đã từng trả lời báo chí, rằng chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” ra đời vào năm 1967 do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cùng Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm khởi xướng, Nhà báo Lê Thănh Tăng phụ trách từ khâu viết kịch bản đến dàn dựng.
Chúng tôi còn được biết đến người nghệ sĩ nổi tiếng là người dẫn chuyện của “Kể chuyện cảnh giác” trong chương trình “Vì an ninh Tổ quốc” là nghệ sĩ ưu tú Nghi Xuyên (ông đã mất, đến nay cũng được gần 10 năm). Ông Nghi Xuyên - “nghệ sĩ trong lòng chúng tôi” được thính giả nhiều thế hệ trong cả nước yêu mến vì được nghe giọng kể độc đáo, ấm áp, rành rọt và mang phong thái truyền cảm của người kể chuyện. Ông đã truyền đạt những kinh nghiệm làm báo quý báu của mình cho các thế hệ học trò, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nên những thế hệ làm báo phát thanh giỏi cho đất nước nói chung.
Trải qua hơn nửa thế kỷ chương trình vẫn được đông đảo thính giả háo hức đón nghe. Với những câu chuyện chân thật, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn, ly kỳ... về đề tài an ninh, xã hội.... Những câu chuyện cảnh giác hết sức chân thật nhưng sinh động, lôi cuốn, ly kỳ, hấp dẫn đến từng chi tiết, từng diễn biến mà không một ai.. rời đi. Dưới thời gian mùa hè sinh hoạt Đội tối thứ Bảy hàng tuần, cả thời thơ ấu của chúng tôi trên những đống sỏi, dưới chân loa phát thanh lại dội về.
Cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn đến… nghẹt thở
Những câu chuyện... rất đời nhưng được truyền tải bằng giọng gần gũi của phát thanh viên và truyền đi một thông điệp “cảnh giác” đến bạn nghe đài. Thông qua giọng đọc - kể gần gũi của phát thanh viên, chuyên mục này đã tạo dựng lên bức tranh sống động của cuộc sống về diện mạo lẫn chiều sâu trong kí ức con người, kích thích trí tưởng tượng mạnh mẽ của thính giả.
Nội dung “Kể chuyện cảnh giác” mang ý nghĩa lớn lao, kể về công tác nâng cao ý thức bảo vệ an ninh trật tự thông qua các câu chuyện chống gián điệp, bắt thám báo, đả phá quân xâm lược, tay sai. Những câu chuyện đời thường thời điểm đó như “Bắt gián điệp”, “Anh chủ nhà tốt bụng”, “Mất tiền oan”, “Mùa hoa dẻ”, “Chiến công dâng Bác”, “Chiếc chìa khóa căn hầm số 8”, “Biệt hiệu nai vàng”, đã giúp quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác với kẻ địch, tích cực tham gia vào phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Dường như cốt truyện sinh động sẽ khắc sâu vào tâm trí chúng tôi. Cốt truyện đó kể qua người dẫn chuyện là nghệ sĩ nổi tiếng, giọng đọc dẫn chuyện của cả nhân vật chính diện và phản diện. Chúng tôi nhớ rõ trong câu chuyện có ba chất giọng ấn tượng, không đơn thuần là kể chuyện mà như có yếu tố kịch nói. “Tiết mục kể chuyện cảnh giác” trong quá khứ được thể hiện là kịch truyền thanh nên rất hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Điều đặc biệt là nội dung chương trình rất khác biệt so với các văn bản tuyên truyền mà sau đó ẩn sâu vào một cốt truyện sinh động. Chúng tôi biết ơn công lao của người viết kịch bản và những người trực tiếp sản xuất chương trình đã tạo nên những hiệu ứng giao cảm đặc biệt. Sự có mặt của họ nhấn mạnh tính sinh động của sự kiện, làm phong phú chương trình.
Sáng tạo, hiện đại và phù hợp với thính giả ngày nay
Trải qua hơn nửa thế kỷ, “Kể chuyện cảnh giác” vẫn được đông đảo thính giả háo hức đón nghe. Chương trình phê phán hiện tượng xấu trong xã hội qua lắng nghe các câu chuyện mang một sức hấp dẫn lôi cuốn tự nhiên, sinh động. Thời gian lúc đó nghe phát thanh cảm thấy quá hay, hay vì phù hợp với thời điểm, đói khổ và tự hào, không bao giờ quên nâng cao cảnh giác bảo vệ tổ quốc. Thông điệp trên sóng của chương trình như nhịp cầu nối truyền tải nhanh chóng, cứ thế len lỏi vào mọi tầng lớp cư dân.
Báo phát thanh là một loại hình báo chí mà đặc trưng cơ bản là dùng thế giới âm thanh phong phú, sinh động để truyền tải thông điệp. Chúng tôi cảm nhận được sâu sắc rằng ban tổ chức và ekip chương trình hồi đó có phong cách làm báo chuyên nghiệp mang lại hiệu quả cao nhất cho thính giả, “thoả mãn” những tâm hồn mới lớn như chúng tôi. Nhưng có lẽ để vận động theo sự phát triển xã hội, chương trình dường như cũng cần mang tính chất cuộc sống hơi thở hơn, hiện đại hơn. Chương trình phát thanh “Kể chuyện cảnh giác” đổi mới sáng tạo hiện đại, giao tiếp linh hoạt và phù hợp với đối tượng tính giả ngày nay chủ yếu trên những phương diện như:
Đa dạng chủ đề và phản ánh thực tế: Chuyên mục cũng cần mở rộng chủ đề để bao gồm những vấn đề hiện đại và đa dạng, từ an ninh đến văn hóa, xã hội, và công nghệ. Điều này giúp chương trình phản ánh đúng thực tế và thu hút sự quan tâm của đối tượng nghe đương đại.
Áp dụng đa nền tảng để mở rộng giao tiếp với công chúng: Thích ứng với sự nhanh chóng của thế giới hiện đại bằng cách chương trình có thể cung cấp nội dung ngắn gọn và chế độ giao tiếp linh hoạt, có thể lựa chọn định dạng podcast ngắn, video, hoặc các nền tảng truyền thông xã hội để truyền tải nội dung câu chuyện.
Sự tham gia của cộng đồng: Tạo cơ hội cho đối tượng nghe từ cộng đồng cùng được tham gia thông qua việc gửi câu chuyện của họ hoặc thảo luận trực tuyến về các chủ đề được đề cập trong chương trình. Điều này tăng tính tương tác và tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với “Kể chuyện cảnh giác”.
Ngôn ngữ và tình tiết hiện đại: Chuyên mục cần cập nhật ngôn ngữ và phong cách diễn đạt để phản ánh sự đa dạng và ngôn ngữ của thế hệ nghe mới. Sử dụng tình tiết và ngôn ngữ thân thiện, dễ tiếp cận để thu hút đối tượng nghe trẻ.
Thính giả đích thực: Chuyên mục “Kể chuyện cảnh giác” hãy tạo cơ hội cho đối tượng nghe tham gia bằng cách đưa ra các câu hỏi, thách thức, hoặc cuộc thi liên quan đến nội dung chương trình. Sự tương tác này giúp xây dựng cộng đồng thính giả trung thành. Bằng cách thực hiện những điều chỉnh này, chương trình có thể giữ được giá trị lịch sử của mình trong khi vẫn duy trì sự hấp dẫn và tính hiện đại để thu hút đối tượng nghe hiện nay và để lại nhiều hiệu ứng xã hội tích cực./
Vi Phương – Anh Nguyên (Giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông)
*Bài dự thi Cuộc thi “Viết về phát thanh” của Đài Tiếng nói Việt Nam (01/2024)